Nỗi lo còn “lỗ hổng” trong kiểm soát dịch bệnh
Chốt kiểm dịch nằm cách ranh giới Thái Nguyên - Bắc Giang 400 m, bỏ sót 21 hộ dân sinh sống phải tiếp xúc nhiều với người và phương tiện có nguy cơ lây nhiễm không được kiểm soát.

Theo phản ánh của người dân, trong khu vực 21 hộ dân sinh sống nằm phía ngoài chốt kiểm dịch liên ngành của tỉnh hiện có phòng khám đa khoa Hà Nội - Phú Bình hàng ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đến khám, chữa bệnh. Mỗi ngày phòng khám này còn thực hiện hàng trăm mẫu test nhanh SAR-CoV-2 người đi từ ngoại tỉnh lấy kết quả để qua chốt. Điều này dấy lên mối lo dịch bệnh có thể xâm nhập vào khu dân cư bất cứ lúc nào.

Chúng tôi có mặt tại khu vực Cầu Ca, xã Kha Sơn đoạn giáp ranh với tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu sự việc. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các xe chở hàng không thể tự do đi vào tỉnh như trước, thì khu vực này đã “biến” thành nơi trung chuyển hàng hóa của người và phương tiện ngoại tỉnh với các thương lái và người buôn bán nhỏ lẻ ở Thái Nguyên. Không khó để chứng kiến hàng chục chiếc xe tải lớn, nhỏ có biển kiểm soát ngoại tỉnh đến đây dừng đỗ, trao đổi hàng hóa. Đáng nói là việc trao đổi hàng hóa giữa 2 bên là tiếp xúc trực tiếp, việc này có thể lây lan dịch bệnh và không đúng với yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.

Ông Ngô Văn Tính, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình phản ánh: “Khi bắt đầu có dịch bùng phát trở lại là chúng tôi nghỉ làm ăn, buôn bán. Và luôn ở trong nhà theo chỉ thị quy định. Có ra ngoài cũng là bất khả kháng thôi. Nhưng dân ở nơi khác đi lại khu vực trước cửa nhà mình mà không được kiểm soát dịch thì thôi thấy hơi sợ”.

Các hộ dân ở đây đã nhiều lần phản ánh và đề đạt nguyện vọng tới chính quyền địa phương có phương án kiểm soát dịch bệnh ở khu dân cư bám theo đoạn đường cuối cùng này của tỉnh để siết chặt hơn nữa việc kiểm soát người ra vào từ vùng có dịch, đó cũng là nguyện vọng chính đáng để tự bảo vệ mình nhưng chưa được giải quyết.

Nhiều người dân cho biết, khi có chỉ đạo của chính quyền, bản thân họ đều rất có ý thức trong việc phòng, chống dịch như chủ động tạm dừng các dịch vụ kinh doanh của mình, đóng cửa, hạn chế ra đường khi không cần thiết để góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nhưng ngược lại, người từ nơi khác đến giao dịch hàng hóa ngang nhiên trước cửa nhà mà chưa được kiểm soát chặt chẽ, khiến các hộ gia đình ở đây lo lắng.

Ông Nguyễn Việt Hùng, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình đã kiến nghị: “Chốt kiểm dịch này làm chưa hết địa phận tỉnh Thái Nguyên mà chúng tôi đã kiến nghị đến các ban ngành đề nghị di chuyển chốt đến địa phận cuối vị trí ranh giới đất Thái Nguyên để đảm bảo cuộc sống an toàn cho hơn 20 hộ dân chúng tôi ở đây”.

Cũng theo phản ánh của người dân, đã có nhiều người trở về Thái Nguyên từ các tỉnh, thành khác nhưng không thể qua chốt liên ngành phòng, chống dịch. Họ đã để lại đồ đạc tại khu vực 21 hộ dân đang sinh sống (phía sau chốt) và đi bộ theo lối tắt vào địa bàn. Sau khi vào được tỉnh bản thân họ hoặc họ nhờ người thân đàng hoàng đi đường chính qua chốt để xuống lấy đồ rồi quay trở lại.

Cũng theo người dân, một số đường ngang, lối mở sau khi người dân phản ánh đã được chính quyền xã cho rào lại và cử cán bộ trông giữ. Tuy nhiên, hiện nay ngay cạnh quốc lộ 37, cách vị trí giáp ranh tỉnh Bắc Giang khoảng 200m, vẫn còn tồn tại một lối đi tắt qua một cánh đồng, nếu người đi từ ngoại tỉnh cố tính né chốt thì chỉ mất vài phút đi bộ họ đã có thể ra đến đường chính, vào địa bàn huyện Phú Bình mà không gặp khó khăn gì. Đây cũng là điều mà người dân mong muốn cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, siết chặt hơn nữa.

Nỗi lo còn “lỗ hổng” trong kiểm soát dịch bệnh
Người ngoại tỉnh đi theo đường nhỏ trên ruộng lúa xâm nhập vào tỉnh Thái Nguyên để tránh kiểm dịch.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình cho biết: “Từ đoạn chốt xuống hết địa bàn Thái Nguyên là còn 400 m. Trên đoạn này còn 2 ngõ nhỏ. Vừa rồi, chúng tôi có ý kiến lên xã và đã được rào rồi. Tuy nhiên vẫn còn lối mòn đi theo đường ruộng, người ngoại tỉnh vẫn đi được vào Thái Nguyên bình thường”.

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn, huyện Phú Bình thông tin: “Chúng tôi đã nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân. Chúng tôi đã mời các hộ dân lên để họp và lấy phiếu ý kiến của 21 hộ. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của nhân dân để đề nghị lên huyện để xem xét kiến nghị của các hộ dân sống ở gần chốt cầu Ca”.

Trước những thực tế trên, mong mỏi được nằm trong vùng kiểm soát dịch bệnh của người dân sống ở đoạn giáp ranh với tỉnh bạn là hoàn toàn chính đáng. Nỗi lo và sự cảnh giác trước đại dịch toàn cầu này của họ không thể gọi là “lo xa” khi mà trong nước ta vẫn đang tiếp tục ghi nhận sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.

Mong muốn của người dân là chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần xem xét, đặt lại vị trí chốt kiểm dịch sao cho phù hợp, vừa đảm bảo tốt công tác phòng dịch hiện nay vừa bảo vệ 21 hộ dân xã Kha Sơn đang nằm ngoài chốt trước nguy cơ của dịch bệnh. Trong cuộc chiến với dịch bệnh, thiết nghĩ có làm tốt ở “vùng biên” thì “vùng lõi” mới có thể an toàn./.