Nỗ lực 'dập lửa' của Trump sau hội nghị thượng đỉnh với Putin
Tổng thống Trump (trái) và đệ nhất phu nhân Melania lên chuyên cơ Không lực Một rời Helsinki sau hội nghị thượng đỉnh với Putin ngày 16/7. Ảnh: AP. |
Khi đưa ra đề nghị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hy vọng sẽ có một hội nghị thượng đỉnh hoành tráng được ghi nhận như một thắng lợi lớn trên truyền hình. Nhưng trên đường trở về Washington sau cuộc gặp Putin tại Helsinki hôm 16/7, Trump hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội, khiến các trợ lý của ông bị sốc và không hiểu chuyện gì đã xảy ra, theo CNN.
Vài giờ sau cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Trump – Putin, các quan chức ở Nhà Trắng công khai thừa nhận họ không biết phải trả lời ra sao với những câu hỏi về tuyên bố hùng hồn của Trump rằng Putin "bác bỏ rất mạnh mẽ và cương quyết" cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Họ không có nhiều thông tin để đưa ra câu trả lời, bởi đội ngũ trợ lý tháp tùng Trump đều đang ở trên chuyên cơ Không lực Một trở về Mỹ. Những người ở lại Nhà Trắng phải chật vật đối phó với vô số lời chất vấn qua điện thoại trong suốt 8 tiếng rưỡi sau đó.
"Điều đó tệ đến mức nào?", một trợ lý đặt câu hỏi khi đang tìm cách hiểu rõ tác động mà những tuyên bố của Trump tại hội nghị thượng đỉnh gây ra. Khi được hỏi liệu có người nào trong chính quyền sẽ từ chức vì tuyên bố của Trump hay không, một quan chức cấp cao ở Nhà Trắng trả lời: "Hỏi hay đấy".
Không ai sốt sắng bảo vệ những gì Tổng thống vừa nói, khi chỉ có một quan chức cho rằng các tuyên bố của Trump chỉ đơn giản là cách diễn giải của ông về quá trình diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ và cả nhiều thành viên đảng Cộng hòa nổi giận trước tuyên bố của Trump rằng ông tin tưởng Putin không kém gì các cơ quan tình báo Mỹ và khẳng định "không có lý do gì để cho rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ".
"Đó là một trong những màn thể hiện đáng xấu hổ nhất của một tổng thống Mỹ từ trước tới nay", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain mô tả về cuộc họp báo Trump – Putin sau hội nghị thượng đỉnh. Ngay cả thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng cho rằng "đây không phải là thời khắc tốt đẹp của nước Mỹ".
Chính trị gia duy nhất ở Washington bảo vệ Trump lúc đó là Phó Tổng thống Mike Pence, khi khẳng định rằng những gì mà người dân Mỹ và cả thế giới vừa chứng kiến là "Tổng thống Trump sẽ luôn đặt thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ lên hàng đầu".
Khi xem các bản tin từ trên chuyên cơ Không lực Một, Trump và các trợ lý cấp cao nhận ra rằng ông dường như vừa phạm một sai lầm nghiêm trọng có thể gây ra hậu quả lâu dài và cần được khắc phục một cách nhanh chóng, các nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ với WSJ.
Trump lập tức sử dụng một trong những vũ khí truyền thông lợi hại nhất của mình là Twitter, khi đăng thông báo "Để xây dựng tương lai tươi sáng hơn, chúng ta không thể chỉ chăm chăm nhìn vào quá khứ. Là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, chúng ta phải hòa hợp" ngay từ trên máy bay.
Trump (trái) bắt tay Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thông điệp "hướng tới tương lai" này của Trump quá trừu tượng, không thể hiện bất cứ sự ủng hộ nào đối với đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử, dù ông không còn bác bỏ đánh giá đó.
Kiểm soát thiệt hại
Không lâu sau khi chuyên cơ Không lực Một hạ cánh, Trump bắt đầu nỗ lực khắc phục thiệt hại khi tuyên bố ông đã "nói nhầm" trong cuộc họp báo với Putin. Tổng thống Mỹ giải thích rằng thay vì nói "không có lý do gì để cho rằng Nga không can thiệp bầu cử Mỹ", ông đã nói ngược lại. Trump cũng thừa nhận đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ về hành động can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử 2016 và cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng này trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp diễn ra.
Lời giải thích này không xoa dịu được nỗi giận dữ trong dư luận Mỹ, nên Trump tiếp tục đi xa hơn vào hôm qua. "Không tổng thống nào cứng rắn với Nga như tôi", Trump tuyên bố trước các phóng viên tại Nhà Trắng, lấy dẫn chứng là các lệnh trừng phạt với Moskva và việc trục xuất hàng chục nhân viên ngoại giao Nga bị cáo buộc làm gián điệp.
"Tôi cho rằng Tổng thống Putin hiểu điều đó hơn ai hết, và chắc chắn là biết rõ hơn giới truyền thông", Trump nói thêm. "Ông ấy hiểu và không vui vì điều đó".
Nhưng khi một phóng viên đặt câu hỏi liệu Nga có "đang tiếp tục nhắm vào Mỹ" hay không, Trump trả lời ngắn gọn "Không". USA Today đánh giá lời khẳng định này của Trump là hành động "đổ thêm dầu vào lửa", bởi nó một lần nữa mâu thuẫn với đánh giá của chính tình báo Mỹ.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats trước đó đã ra tuyên bố, nhấn mạnh những lo ngại của các cơ quan tình báo rằng Nga đang chuẩn bị can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ và nỗ lực "đang tiếp diễn" này của Moskva có thể "hủy hoại nền dân chủ Mỹ".
Câu trả lời của Trump lập tức thổi bùng ngọn lửa bất bình và làm dấy lên những hoài nghi về cam kết của ông đối phó với các hành động thù địch mà Nga bị cáo buộc là đang thực hiện nhắm vào Mỹ.
Vài giờ sau đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders vội vã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên trong hơn hai tuần nhằm trấn an dư luận. "Tổng thống và chính quyền đang nỗ lực để đảm bảo Nga không thể can thiệp vào các cuộc bầu cử như trước đây", Sanders nói, bổ sung rằng Trump "sẽ không tham gia tiến trình đằng đẵng như vậy" nếu không tin rằng Moskva đang nhắm vào các cuộc bầu cử của Washington.
Sanders cũng nỗ lực "giải thích lại" tuyên bố mà Tổng thống vừa đưa ra với báo chí. Theo bà, ý của Trump khi trả lời "Không" với câu hỏi của phóng viên thực ra là để báo hiệu ông sẽ không trả lời các câu hỏi, chứ không phải khẳng định Nga không tiếp tục nhắm vào Mỹ. Thư ký báo chí Nhà Trắng nhấn mạnh "chúng tôi tin rằng mối đe dọa đó vẫn tồn tại".
Phóng viên đặt câu hỏi đó với Trump, Cecilia Vega đến từ ABC News, lập tức phản pháo trên mạng xã hội về cách giải thích của Sanders. Vega đăng một đoạn bóc băng ghi âm, cho thấy Trump nói "cảm ơn nhiều" khi cô hỏi về việc Nga tiếp tục nhắm vào Mỹ, sau đó nói "Không".
Vega ngay lập tức hỏi lại "Không, ngài không tin là như vậy đúng không?" Trump đáp lại một lần nữa "Không". Tổng thống phớt lờ câu hỏi tiếp theo của Vega và trả lời phóng viên tiếp theo.
"Ông ấy đã nhìn thẳng vào tôi khi trả lời", Vega viết trên Twitter. "Tôi tin rằng ông ấy nghe rõ câu hỏi của tôi. Ông ấy đã hai lần trả lời câu hỏi đó".
Trump (trái) nhận quả bóng từ Putin trong họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AFP. |
Trump sau đó khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với CBS News rằng ông tin Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân với hoạt động can thiệp bầu cử Mỹ "bởi ông ấy là người đứng đầu nước Nga". "Tôi đã cho ông ấy biết rằng chúng tôi không chấp nhận điều này", Trump nói thêm.
Cách giải thích này của Trump và Nhà Trắng đã làm hài lòng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa từng chỉ trích ông, nhưng với các thành viên đảng Dân chủ, điều đó là chưa đủ. Các thượng nghị sĩ Mỹ cho biết họ đang thảo luận về một dự luật lưỡng viện để áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Nga nếu tình báo Mỹ phát hiện Moskva tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ 2018.