Nỗ lực chăm lo và  bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công nhân viên chức lao động
Sự quan tâm kịp thời, chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công nhân, viên chức, lao động có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 230.000 CNVCLĐ. Nhằm hỗ trợ thiết thực cho CNVCLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn các cấp thường xuyên vận động CNVCLĐ tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua, đăng ký thực hiện nhiều công trình, sản phẩm có giá trị kinh tế - xã hội cao. Từ đó, nhiều tấm gương điển hình về lao động sáng tạo được phát hiện và tôn vinh, góp phần cổ vũ tinh thân thi đua lao động trong CNVCLĐ.

Anh Vũ Văn Khiêm, nhân viên Công ty TNHH SAMJU VINA chia sẻ: “Tôi rất tự hào nhận được Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng. Đây là điều quý báu mà tôi nhận được trong 7 năm làm việc và cống hiến. Đây là môi trường để chúng tôi thi đua lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để có kết quả tốt như ngày hôm nay”.

Vấn đề tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ luôn được các cấp Công đoàn đặc biệt quan tâm. Điều đó được thể hiện rõ trong quy chế về mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh, đặc biệt là các cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với CNVCLĐ được tổ chức những năm gần đây.

Anh Đỗ Mạnh Hùng, công nhân tại KCN Điềm Thụy, Phú Bình, cho biết: “Qua cuộc đối thoại năm 2018, tại đối thoại, chúng tôi mong muốn được sửa chữa, nâng cấp con đường từ ngã tư Khu công nghiệp đến đường tròn Điềm Thụy. Đến nay, con đường đã được thực hiện, khang trang, đẹp đẽ và lưu thông an toàn”.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống cho CNVCLĐ, việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa các cấp lãnh đạo với CNVCLĐ đã giúp họ bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, từ đó các cấp công đoàn sẽ có những biện pháp cụ thể và kịp thời nhằm tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ trong toàn tỉnh.

Với những nỗ lực trong suốt thời gian qua của tổ chức Công đoàn đã giúp CNVCLĐ trong toàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, nâng tầm vị thế của tổ chức Công đoàn; đời sống của công nhân, lao động cũng từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của mình, đòi hỏi tổ chức công đoàn các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương.

Đồng chí Phạm Việt Dũng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Trách nhiệm của Công đoàn cơ sở phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, để đề đạt tâm tư, nguyện vọng người lao động đến các cấp chính quyền. Từ đó đề xuất với các cấp chính quyền toàn tỉnh, để giải quyết, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp”.

Những phong trào thiết thực, việc làm cụ thể, ý nghĩa của các cấp công đoàn trong toàn tỉnh đã giúp đoàn viên, công nhân, người lao động yên tâm công tác, lao động, sản xuất, góp phần xây dựng cơ quan, doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.