Là người có kinh nghiệm trồng rừng lâu năm ở xóm Khe Cạn xã Cây Thị huyện Đồng Hỷ, nhưng gia đình anh Triệu Phúc Phượng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Bởi lẽ lâu nay, gia đình anh chỉ trồng cây keo chu kỳ 5 năm cho nguồn thu khoảng 80 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng. Trong khi đó chuyển sang rừng gỗ lớn, thì hiệu quả kinh tế sẽ mang lại cao hơn.

trong rung go lon va nhung loi ich mang lai
Anh Triệu Phúc Phượng xóm Khe Cạn xã Cây Thị huyện Đồng Hỷ được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, năm 2020 gia đình anh đã trồng mới 10 ha rừng theo dự án trồng rừng gỗ lớn.

Chu kỳ của trồng rừng gỗ lớn là từ 10 năm trở lên mới khai thác, lúc đó mỗi cây keo có thể bán được gần 1 triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn có thể trồng xen kẽ các loại cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đinh. Từ lợi ích đó cộng thêm hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, nên năm 2020 gia đình anh đã trồng mới 10 ha rừng theo dự án trồng rừng gỗ lớn. Anh Phượng cho chúng tôi biết: "Trồng cây gỗ lớn mất 10 đến 12 năm mới cho thu hoạch, tính ra cũng chỉ thêm khoảng 3 năm nhưng hiệu quả mang lại thì lại cao hơn rất là nhiều. Bên cạnh đó mình có thể kết hợp trồng cây dược liệu ở dưới tán rừng như ba kích, hà thủ ô đỏ... 3 năm cũng cho thu hoạch. Nên tôi thấy lựa chọn trồng cây gỗ lớn như này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn".

Còn đối với gia đình ông Đào Văn Cường ở xóm Ao Chám xã Động Đạt huyện Phú Lương, được cán bộ kiểm lâm địa bàn và Ban lâm nghiệp xã tuyên truyền về hiệu quả việc trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, từ đó ông Cường đã mạnh dạn làm theo. Nhờ đó mà 2 đợt thu hoạch rừng có độ tuổi từ 7 năm trở lên đã mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng cho gia đình. Vụ trồng rừng năm nay gia đình ông đã trồng thêm 3ha rừng sản xuất nâng diện tích rừng của gia đình ông lên 6ha. Ông Cường phấn khởi cho biết: "Trước đây chúng tôi trồng rừng cũng chỉ 5 đến 7 năm là thu hoạch. Còn bây giờ thời gian tuy dài hơn nhưng hiệu quả mang lại lại cao hơn".

trong rung go lon va nhung loi ich mang lai
Năm 2020, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch trồng mới 1.050 ha rừng sản xuất, trong đó có 620 ha rừng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Năm 2020, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch trồng mới 1.050 ha rừng sản xuất, trong đó có 620 ha rừng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Giai đoạn 2016-2020 được tỉnh hỗ trợ cây giống, phân bón, hỗ trợ công lao động và 400 ha rừng do nhân dân tự trồng. Để bảo đảm diện tích rừng trồng theo kế hoạch Hạt kiểm lâm huyện khuyến cáo, đôn đốc nhân dân tiến hành xử lý thực bì, lựa chọn các cơ sở cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng. Đồng thời tuyên truyền đến người dân các xã trên địa bàn hiểu về lợi ích mà trồng rừng gỗ lớn đem lại từ đó để thay đổi dần tư duy của người dân trong việc trồng rừng. Ông Vy Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ cho rằng: "Người dân địa phương rất mong các cấp chính quyền có các cơ chế về hỗ trợ kinh phí cho trồng cây gỗ lớn và đưa các giống trồng làm sao phù hợp với các điều kiện của địa phương.Để khi trồng cây người dân sẽ yên tâm...".

Trao đổi về nội dung này, Ông Phùng Văn Chung, Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi luôn coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhân dân về canh tác trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời hướng dẫn cho bà con nông dân hiểu được giá trị của việc trồng rừng gỗ lớn, từ đó người dân sẽ thấy được lợi ích rõ ràng và nhiệt tình tham gia".

Từ năm 2016 - 2019, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã triển khai trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh với 60ha rừng, các giống chủ yếu là keo hạt ngoại. keo lai hom, bạch đàn tại huyện Đồng Hỷ và TP Sông Công. Các hộ dân tham gia trồng được hỗ trợ cây giống, phân bón và tiền nhân công trồng rừng. Năm 2020 công ty có kế hoạch trồng thêm 50ha rừng gỗ lớn nữa. Việc triển khai trồng rừng gỗ lớn của công ty không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Nguyễn Mạnh Đoan, Giám đốc Công ty Lâm Nghiệp Thái Nguyên cho rằng: "Bên cạnh việc được chính quyền địa phương và các hạt kiểm lâm rất tạo điều kiện ủng hộ. Nhưng trong quá trình đi vận động vẫn có một số hộ dân chưa nhận thức được vai trò của trồng rừng gỗ lớn. Chính vì thế trong quá trình thực hiện công ty đã lấy mô hình của công ty trình diễn trước để nhân dân tham khảo và hiểu được giá trị của việc trồng rừng gỗ lớn như thế nào".

trong rung go lon va nhung loi ich mang lai
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Tỉnh cũng đang phối hợp với các cơ sở chế biến, sản xuất gỗ để cùng tuyên truyền vận động các địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhận định được mục đích rõ việc trồng rừng gỗ lớn".

Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Thái Nguyên hiện có diện tích đất lâm nghiệp lớn gần 180 nghìn ha. Với lợi thế này thì việc triển khai rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quản kinh tế cho các hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng. Theo tính toán, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Ước tính sau chu kỳ 10 - 12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt 215 - 250 triệu đồng/ha, đỉnh điểm có thể đạt 300 - 350 triệu đồng/ha, trừ khoảng 30% chi phí liên quan trong khi đó trồng rừng gỗ nhỏ đạt bình quân 40 - 60 triệu đồng/ha. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tỉnh Thái Nguyên hiện nay đã có một số nhà máy chế biến gỗ lớn, đặc biệt là nhà máy chế biến gỗ đang đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Công 2. Tỉnh cũng đang phối hợp với các cơ sở chế biến, sản xuất gỗ để cùng tuyên truyền vận động các địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhận định được mục đích rõ việc trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu quy trình, cách thức để triển khai trồng rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó tham mưu nghiên cứu một số những cơ chế ngân sách để hỗ trợ việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh".

Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Để nhân rộng mô hình này, cần tăng cường các nguồn lực và sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng rừng trên địa bàn tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.