Tin
Nghệ thuật múa Rô-băm đã ra đời trên 200 năm trước

Nghệ thuật sân khấu Rô-băm bắt nguồn từ khu vực huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Hiện tại, ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên còn một gia đình bảo tồn loại hình nghệ thuật này, trải qua 6 đời với hơn 100 năm, thường được gọi là Rô-băm Bưng Chông, đó là gia đình của nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương. Tháng 5/2019, “Nghệ thuật sân khấu rô băm” của người Khmer huyện Trần Đề đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương, Trưởng đoàn Rô-băm Bưng Chông, tỉnh Sóc Trăng nói về truyền thống của gia đình: “Múa Rô-băm đã ra đời trên 200 năm trước, tôi cũng nối nghiệp của bố mẹ, ông bà để lại. Bố tôi có 5 người con, tôi là nữ nhưng ông vẫn truyền lại cho tôi. Tôi vẫn quyết tâm giữ, sau này có các con tôi giữ. Không để mất cái điệu múa Rô-băm này”.

Tuồng tích Rô-băm Bưng Chông thường dựa vào những tình tiết cơ bản của tuồng cổ điển từ Riêm-kê với các nhân vật điển hình như nàng Sita, chằn Krông Reap, thần khỉ Hanuman; dựa theo cốt truyện văn học dân gian Khmer địa phương. Cốt truyện thường theo mô típ Thiện và Ác, Thiện luôn thắng Ác. Đến với chương trình nghệ thuật đường phố tại thành phố Thái Nguyên lần này, đoàn Rô-băm Bưng Chông mang tới tiết mục với các nhân vật và nội dung đặc trưng trên.

Tin
Tiết mục của đoàn nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng tại chương trình nghệ thuật đường phố TP Thái Nguyên

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương nói về tiết mục đoàn biểu diễn:“Đó là trích đoạn nàng Sita, khỉ Hanuman rất thông minh, khi nó thấy chằn bắt nàng Sita đi nó sẽ về báo tin cho vua và vua sẽ đưa quân đi đánh chằn cứu nàng Sita về”.

Sau 2 ngày biểu diễn tại Thái Nguyên, chứng kiến sự cổ vũ nhiệt tình của người dân và đi tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng, nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương có những ấn tượng tốt đẹp về “thành phố tháng Mười”.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương: “Tôi thấy tỉnh Thái Nguyên mình làm lễ hội rất là vui, tôi và các thành viên trong đoàn thấy rất vui”.

Cùng với các đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia chương trình nghệ thuật đường phố, tiết mục của đoàn nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đã giúp người dân Thái Nguyên thêm hiểu, thêm yêu những nét văn hóa dân gian của các dân tộc khác nhau trên dải đất hình chữ S.