Những quyết sách mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới

So với tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên sau ngày tái lập với nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp cộng với nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo và có kinh nghiệm trong công tác là những thuận lợi cơ bản để tỉnh triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của một đơn vị hành chính mới.

Những quyết sách mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới
Đồng chí Nguyễn Ngô Hai, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, Thái Nguyên chia sẻ:“Hạ tầng cơ sở của Thái Nguyên tương đối tốt, được Trung ương đầu tư trục Quốc lộ 3 Hà Nội-Thái Nguyên. Đó cũng là một điểm mới. Tiếp đó, từ hạ tầng phát triển nên nguồn đầu tư FDI thu hút tốt kéo theo các ngành kinh tế dịch vụ. Đội ngũ cán bộ được đào tạo tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo đúng mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Thái Nguyên là Thái Nguyên phải trở thành tỉnh giàu có của miền bắc".

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV của tỉnh Thái Nguyên xác định mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2000, đó là: Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bồ, tạo sự phát triển về kinh tế- xã hội với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, xây dựng tỉnh Thái Nguyên giàu đẹp với cơ cấu kinh tế công – nông – lâm nghiệp, dịch vụ, cải thiện điều kiện vật chất của nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để cùng cả nước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000.

Ngày 1/7/2004, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 được ban hành đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành một chủ trương lớn, một định hướng mang tầm chiến lược, một động lực quan trọng làm thay đổi một cách tích cực nhiều mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Giai đoạn 2000-2010 Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có chủ đề là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp. Tiếp đó là phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công nghiệp, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Nhưng nói đến đổi mới của nhiệm kỳ 2010-2015 thì lúc đó chúng ta mới mở đầu cho quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp”.

25 năm kể từ ngày tái lập, Thái Nguyên tự hào về những thành tựu từ quá khứ đến hiện tại. Trên bước đường đổi mới và hội nhập, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt, phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm, phát triển văn hóa là mục tiêu, động lực, đảm bảo quốc phòng- an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Thái Nguyên luôn đảm bảo thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt để đảm bảo sự đồng thuận, sẻ chia và quyết tâm thực hiện. Thành quả hiện hữu của ngày hôm nay chính là minh chứng cho những nỗ lực đáng tự hào đó.

Một giai đoạn phát triển mới đang mở ra với mục tiêu kiến tạo, phát triển để Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.