Nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một buổi tọa đàm của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: ôn lại cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp với những dấu ấn lịch sử trong thời gian Đại tướng ở ATK Thái Nguyên

Buổi tọa đàm ôn lại về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp với những dấu ấn lịch sử trong thời gian Đại tướng ở ATK Thái Nguyên của Khoa Lịch sử, trường Đại học sư phạm khẳng định công lao và cống hiến xuất sắc nổi bật nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó, đã giúp các thế hệ sinh viên càng thêm trân trọng và tự hào về Đại tướng.

Em Nguyễn Hoàng Linh Trang, Sinh viên khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: "Em cảm thấy vô cùng tự hào vì quê hương Thái Nguyên mình đã đóng góp được một phần trợ giúp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như giúp cho đất nước thành công trong việc thực hiện cách mạng. Với vai trò là một sinh viên cũng như là thế hệ trẻ tiếp bước cha ông, em cảm thấy bản thân mình cũng như các bạn sinh viên khác cần phải cố gắng, nỗ lực học tập, đặc biệt cần hiểu biết hơn về lịch sử của đất nước mình".

Lịch sử đã chứng minh vị trí, vai trò chiến lược của Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người góp phần quan trọng làm nên một ATK Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến bất khả xâm phạm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong suốt những năm kháng chiến, Đại tướng đã vận dụng chiến lược chiến tranh nhân dân, biến mỗi người dân là một chiến sĩ bảo vệ ATK. Đồng thời thành lập, phát triển hàng loạt đội du kích; tổ chức quân đội chủ lực phòng thủ nhiều lớp, để rồi từ đây ghi những dấu ấn thắng lợi của hàng loạt những chiến dịch quan trọng.

PGS. TS Đỗ Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: "Chính từ ATK Định Hóa Thái Nguyên, Đại tướng vinh dự được Đảng và Bác Hồ trao trọng trách Tổng Tư lệnh của mặt trận Điện Biên để với những tài năng thao lược quân sự, Ông đã cùng với lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam làm nên một chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Và sau này ở cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong giai đoạn xây dựng đất nước, Đại tướng trở lại Thái Nguyên vẫn luôn luôn thể hiện tình cảm gắn bó của mình với đồng bào nhân dân các dân tộc ở Thái Nguyên".

Nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hình ảnh tư liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Thái Nguyên.

Trong một lần về thăm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói, Thái Nguyên như là quê hương thứ 2 của ông. Với Thái Nguyên, ngay cả trong thời kỳ kháng chiến gian khổ hay khi thời bình, tấm lòng của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên với Đại tướng vẫn luôn son sắt, thủy chung, dành cho vị Đại tướng của nhân dân một tình cảm nồng ấm, một lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn kính đặc biệt. Ngay tại trung tâm thành phố, Quảng trường Võ Nguyên Giáp với 2 bức phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Thái Nguyên cũng được xây dựng như một tiếng lòng tri ân từ thủ đô gió ngàn gửi đến Đại tướng.

Chị Nguyễn THị Hòa, Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: "Mỗi một người giáo viên lịch sử phải ý thức được trách nhiệm trong việc gìn giữ các trang sử cũng như tôn vinh người anh hùng dân tộc như Đại Tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta. Đại tướng còn từng là một thầy giáo lịch sử nổi tiếng, đó là niềm tự hào với ngành nghề và cũng hun đúc cho chúng tôi có ý thức để rèn luyện nghề nghiệp nối tiếp sự nghiệp của người thầy vĩ đại".

Dù Đại tướng đã đi xa, nhưng những dấu ấn mà người lưu lại ở mảnh đất gió ngàn vẫn còn mãi. Kế thừa và phát huy những đóng góp lớn lao trong cuộc đời, sự nghiệp của đại tướng đối với dân tộc non sông đất nước, cán bộ và nhân dân Thái Nguyên vẫn luôn tự nêu cao trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử truyền thống, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.