Nhiều vấn đề nóng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu Hà Nội

Hai nhóm vấn đề được chất vấn gồm: Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên-môi trường. Đây đều là những vấn đề rất nóng hiện nay mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân và công tác quản lý nhà nước của nhiều bộ ngành liên quan. Đồng chí đề nghị các Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội cùng làm sáng tỏ vấn đề, để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với các giải pháp đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực.

Chất vấn trực tiếp và trực tuyến đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề tập trung vào tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… Dẫn chứng thực tế hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương làm rõ các giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với mặt hàng nông sản.

Nhiều vấn đề nóng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chất vấn: “Liên quan đến dồn ứ nông sản ở biên giới phía bắc, chúng ta đã có can thiệp, các cặp chợ được mở, khi không tiến hành nữa thì lại đóng. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về những giải pháp cơ bản…”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời: “Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu nhất dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt về phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cửa khẩu phía bạn Trung Quốc… giải pháp để tạo “luồng xanh” xuất, nhập khẩu hàng hóa, các ngành sản xuất, đặc biệt là nông sản, thực phẩm phải đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn sát cho từng thị trường”.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái nguyên chất vấn: “Định hướng đẩy mạnh hợp tác thương mại quốc tế trong bối cảnh hiện nay”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn: “Quan điểm là phải tăng cường hợp tác thương mại quốc tế. Trước hết đảm bảo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, duy trì và cung ứng đảm bảo xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta đã chủ động phối hợp với các nước trong khu vực, nhất là các nước Asean đưa ra cam kết dù dịch bệnh hay biến động trên thế giới thì các nước trong khu vực phải vì nhau, hoạt động theo nguyên tắc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa”.

Cùng với phần trả lời chính của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.