Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Nhiều ý kiến đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào các vấn đề như: Giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ nông sản; kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp... hay việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Phản ánh việc cử tri rất lo lắng tình trạng ùn tắc nông sản có thể tiếp tục tái diễn trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Hoàng Anh Công kiến nghị Bộ cần sớm có giải pháp mang tính bền vững.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: “Tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc gây nên rất nhiều khó khăn, tăng chi phí, gây tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp của nước ta. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần phải làm gì? Có giải pháp gì để giúp người nông dân nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó, tăng cường xuất khẩu và xây dựng nền xuất khẩu bền vững?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Anh Công, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ rõ, vấn đề ùn ứ nông sản ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong một khoảng thời gian nhất định, công tác kiểm soát chất lượng nông sản giữa hai bên khác nhau, thì còn bởi tư duy sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang tồn tại những vấn đề cần phải thay đổi: “Chỉ có một cách duy nhất là chúng ta tổ chức lại sản xuất trước tiên, tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng, để mà dẫn dắt cho câu chuyện thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cũng như là định vị lại thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng đã dự thảo xây dựng riêng một thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, để chúng chuyển dần theo chỉ đạo của Chính phủ, là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, tất nhiên là chuyển dần chứ khổng thể đột ngột, bởi vì cả hai phía tương tác với nhau”.

Tiếp tục chất vấn người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Lý Văn Huấn đề cập tới một trong những vấn đề thời sự, đó là thực phẩm “bẩn”: “Hiện nay, tình trạng thực phẩm “bẩn”, bị ô nhiễm diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để kiểm soát lĩnh vực này trong thời gian tới?”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời: “Về thực phẩm “bẩn”, mặc dù đây là lĩnh vực liên Bộ, nhưng trước tiên, với tư cách người quản lý ngành sản xuất, thì chúng tôi có trách nhiệm hoàn toàn ở đó. Bởi từ thực phẩm “bẩn” còn đưa ra chế biến, đưa ra phân phối, có cả một chuỗi… Có khi sản xuất sạch, nhưng khi ra thị trường thành “bẩn” bởi còn nhiều tác nhân. Nhưng trách nhiệm Bộ trưởng là ở khâu sản xuất, chúng ta chuẩn hóa vùng trồng, vùng nuôi, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và những chất có thể độc hại cho sức khỏe con người… Chúng ta chưa nghĩ tới sạch để mà xuất khẩu, mà sạch để cho bản thân người Việt Nam chúng ta sử dụng”.

Ngoài các nhóm vấn đề về nông nghiệp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nêu một số khó khăn trong thực tế triển khai Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn: “Doanh nghiệp phản ảnh, trong quá trình, gặp các vướng mắc về cách xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, thời điểm lập hóa đơn và quy định về việc lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã tháo gỡ các vướng mắc đó như thế nào để đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp và để nghị quyết của Quốc hội và những chính sách có lợi sớm đi vào cuộc sống?”

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc trả lời: “Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, lúc đó Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15 về vấn đề giảm thuế. Tổng số theo dự kiến giảm khoảng độ 64.000 tỷ. Phần giảm từ 10% xuống 8% thì xuất hóa đơn riêng. Tuy nhiên, sau khi có nhiều ý kiến, một số ý kiến của cơ quan báo chí và một số ý kiến của doanh nghiệp, thì chúng tôi đã đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là gộp vào cùng một hóa đơn, không tách riêng nữa, vì thực ra đối với nhiều loại hàng hóa mà tách riêng thì thuận lợi hơn, đặc biệt là hàng hóa bán lẻ. Hiện nay thì chúng tôi thực hiện hóa đơn điện tử, thì ngoài hóa đơn có mã, thì những loại hóa đơn không có mã, ví dụ như là của các doanh nghiệp lẻ thực hiện, thì việc xuất hóa đơn 2 loại hóa đơn vay khác nhau, thì nó cũng thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến, chúng tôi đã hoàn thiện và sửa đổi, đề nghị sửa đổi Nghị định 15 để thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp... cũng được chất vấn tại nghị trường.

Ngày 9/6, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề theo dự kiến chương trình dự kiến.