Hưởng ứng bức thư kêu gọi không thả bóng bay của em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh trường Marie Curie (Hà Nội), trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) cắt bỏ tiết mục thả bóng trong lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới. Thay vào đó, học sinh sẽ ghi những ước mơ lên giấy màu rồi dán trong lớp học, như một cách nhắc nhở các em phấn đấu học tập và lưu giữ kỷ niệm.

Theo Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm, thả bóng bay ở lễ khai giảng thể hiện khao khát, ước mơ tốt đẹp của học sinh và cũng làm các em hứng thú. Trước kia trường Phan Huy Chú - Đống Đa vẫn thả một vài chùm bóng theo khối lớp, chi phí không nhiều, nhưng tất cả trường cùng thả lại thành một câu chuyện khác.

"Một người không thả bóng là chuyện nhỏ nhưng lại là bài học lớn, giáo dục ý thức biết quan tâm đến cộng đồng, môi trường. Đó mới là điều đáng quý, là thông điệp đáng trân trọng mà em Nguyệt Linh mang đến", thầy Nhâm nói.

Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cũng quyết định bỏ hẳn việc thả bóng bay trong mọi hoạt động từ năm học 2019-2020 để hưởng ứng lời kêu gọi của em Nguyệt Linh. Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh Vân cho biết, trường không thả bóng bay trong lễ khai giảng từ 5 năm nay, nhưng lại tổ chức trong chương trình "Dấu ấn" tri ân học sinh lớp 12. Thả bóng bay thể hiện thông điệp "những ước mơ của học sinh sẽ vươn cao và bay xa".

Từ cuối năm học 2018-2019, nhận thức bóng bay làm từ cao su và nylon được thả lên trời sẽ gây hại cho môi trường, Ban giám hiệu đã kêu gọi mỗi lớp chỉ sử dụng một quả bóng để buộc những mảnh giấy ghi ước mơ, thay vì mỗi em cầm một quả như trước kia. Từ 670 quả bóng thả lên trời, cả trường chỉ còn 14 quả. Năm học này, trong lễ tri ân, thay vì thả bóng bay, thầy cô và học sinh cùng nhau gấp những máy bay giấy và viết ước mơ của mình lên.

nhieu truong tao hoat dong moi thay the tha bong bay
Học sinh chuẩn bị bóng bay trong lễ khai giảng năm học 2018-2019 tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy

Từ nhiều năm nay, các trường học thuộc Hệ thống giáo dục Nam Việt (TP HCM) đã không thả bóng bay trong ngày khai giảng, do chúng chứa khí hydro và heli rất nguy hiểm cho người sử dụng và môi trường.

Đồng cảm với bức thư của em Nguyệt Linh, ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Hệ thống giáo dục Nam Việt, thông tin sẽ khuyến khích giáo viên, học sinh trong năm học mới hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt. Mỗi người sẽ tự mua một bình nước sử dụng nhiều lần, lấy nước tại trường thay vì mua các chai nước suối.

Cũng không thả bóng bay trong lễ khai giảng từ nhiều năm nay, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) hy vọng nhiều trường sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyệt Linh. "Trường học cần thay đổi những thói quen, dù thả bong bóng là hoạt động mang tính truyền thống, đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ học trò", ông nói.

Nhiều lãnh đạo các trường khác tại TP HCM cho biết sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyệt Linh với một lễ khai giảng không bong bóng bay như: Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), THPT Trưng Vương (quận 1). Trường THCS - THPT Hồng Hà thay vì thả bóng, thầy và trò sẽ làm các món quà nhỏ tặng nhau.

Tại Thừa Thiên Huế, hưởng ứng ngày chủ nhật xanh và không sử dụng túi nylon, năm nay các trường trên địa bàn sẽ không thả bóng bay trong ngày khai giảng. Một số trường lên kế hoạch thay vì thả bóng bay sẽ thả chim bồ câu trắng, tung hoa giấy trong lễ khai giảng, ông Đặng Phước Mỹ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nói.

Cũng nói không với bóng bay, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình yêu cầu các trường, giáo viên và học sinh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon trong các hoạt động dạy và học; không bọc sách, vở bằng tấm nylon. Trường học cần bố trí thùng chứa rác thải nhựa riêng để dễ thu gom, tái sử dụng.

Ngày 24/7, em Nguyễn Nguyệt Linh đã viết một bức thư và gửi bằng email tới 40 trường học ở Hà Nội kêu gọi không thả bóng bay trong ngày khai giảng. "Bóng bay được làm từ nhựa và khi thả lên các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào có thể bị chặn đường ruột, dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt, dẫn tới cái chết", Linh viết.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã viết thư khen ngợi hành động bảo vệ môi trường của Linh. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các trường tổ chức khai giảng sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để tạo không khí hứng khởi và bảo vệ môi trường./.