Nhiều nội dung quan trọng, mang tầm chiến lược được quan tâm
Ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, khóa XIII (Điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên)

Trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia có vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là cơ sở để lập các quy hoạch khác. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là vấn đề rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Ngoài việc được coi là công cụ quản lý hữu hiệu, Quy hoạch tổng thể quốc gia còn là cơ sở để quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia cũng như để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh. Bởi vậy, việc ban hành Định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cán bộ, đảng viên đồng tình, đánh giá cao.

Nhiều nội dung quan trọng, mang tầm chiến lược được quan tâm

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên: "Vấn đề manh mún, chồng chéo, vấn đề chia cắt đã làm yếu nền kinh tế và tầm nhìn này đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển vùng. Đây là bước chuẩn bị rất quan trọng và nghị quyết lần này, vấn đề quy hoạch tổng thể Quốc gia sẽ đặt ra một tầm nhìn mới để đưa đất nước chúng ta có điều kiện để phát triển theo chuỗi liên kết nội bộ và đặt ra vấn đề cải cách hành chính về thể chế, chính sách của vùng để tạo ra sức mạnh tổng thể quốc gia".

Để khắc phục tính dàn trải, định hướng quy hoạch quốc gia được xây dựng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển 4 vùng động lực quốc gia và 4 cực tăng trưởng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng sẽ từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên nắm bắt và phát huy vai trò, vị thế trung tâm vùng.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết thêm: "Sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên đặt trong không gian phát triển của vùng sẽ tạo ra sức mạnh mới và chúng tôi cho rằng đây là một lợi thế rất quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Với sức mạnh về kinh tế, sức mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là địa chính trị quan trọng của tỉnh thì tỉnh Thái Nguyên chúng ta sẽ được đặt trong một bối cảnh rất mới và đây là cái cơ hội phát triển trong tương lai".Nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên đánh giá, trong 10 năm qua (2011-2020), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, với mục tiêu và tầm nhìn trở thành nước phát triển, vẫn cần cụ thể hóa những định hướng trọng tâm để tập trung thực hiện hiệu quả, nhất là gắn với xu thế chuyển đổi số và phát huy được các nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực.

Theo TS Lưu Bình Dương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: "Công nghiệp hóa - hiện đại hóa bây giờ đang ở một tầm sâu hơn, hội nhập toàn diện hơn và đặc biệt trong cách mạng công nghệ số hiện nay đây là một vấn đề mà trước đây khi chúng ta thông qua nghị quyết về công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước của chúng ta cái bối cảnh kinh tế xã hội thế giới nó chưa xuất hiện".

Nhiều nội dung quan trọng, mang tầm chiến lược được quan tâm

PGS. TS Ngô Như Khoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ký thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên: "Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nó hơi khác biệt một chút đó là con người cần phải được đào tạo, đào tạo đây có thể đào tạo một cách cơ bản từ trường lớp mà đặc biệt là các trường đại học. Cái thứ hai là đào tạo thực tiễn, chúng ta vẫn đang làm, các doanh nghiệp vẫn đang làm. Nhưng theo chủ trương mà chúng ta phải làm chủ được các công nghệ lõi thì cái đào tạo bài bản từ trường lớp, đặc biệt các trường đại học là yếu tố đặc biệt quan trọng".

Với tinh thần, trách nhiệm cao trong triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các văn kiện; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn Đảng, toàn dân, tinh thần chỉ đạo của Hội nghị lần thứ 6, khóa XIII sẽ sớm đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.