Nhiều khó khăn xây dựng sản phẩm chè ocop 5 sao
Dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP xã Bình Sơn.

Ngay từ khi có chương trình Ocop, đối với những xã viên gắn bó với cây chè như bà Lê Thị Quang đều nhận thức được rằng: chứng nhận Ocop 5 sao cấp quốc gia sẽ khẳng định được vị thế của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước và coi đây là mục tiêu quan trọng nhất khi tham gia vào HTX.

Bà Lê Thị Quang - HTX trà Cao Sơn, TP Sông Công cho biết: "Chè của HTX chúng tôi chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tất cả chúng tôi đều làm thủ công hết, mình đã làm được đến 4 sao rồi và mơ ước làm lên chuẩn 5 sao. Để đạt được thì phải đầu tư nhiều như nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị hiện đại hơn".

Giai đoạn 2021-2022, HTX trà Cao Sơn ở xã Bình Sơn, thành phố Sông Công được thành phố hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng thực hiện Dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Bình Sơn. Thông qua Dự án, HTX đã xây dựng được 8ha chè an toàn, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu an toàn của đơn vị lên 50ha. HTX đã có 5 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm chè của HTX vẫn chưa thể xuất khẩu, đây cũng là một trong những khó khăn để sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.

Nhiều khó khăn xây dựng sản phẩm chè ocop 5 sao
Hợp tác xã trà Cao Sơn được công nhận 2 sản phẩm đạt ocop 4 sao.

Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX trà Cao Sơn, Sông Công chia sẻ: "Khó khăn nhất là đầu ra, HTX chúng tôi mong muốn được các cấp, Chính quyền vào cuộc hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn, được tiếp cận vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cho HTX chương trình tập huấn làm chè hữu cơ".

25ha sản xuất chè của 30 thành viên đều được sản xuất theo hướng hữu cơ và đã được công nhận VietGap. Từ hướng đi này, Hợp tác xã đã được công nhận 2 sản phẩm đạt ocop 4 sao. Tuy nhiên để sản phẩm đủ tiêu chuẩn của ocop 5 sao, không chỉ là việc nâng cao chất lượng chè.

Bà Nghiêm Thị Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Sông Công cho biết: "Chè là sản phẩm chủ lực của địa phương, chúng tôi đã xác định đây là sản phẩm chủ lực ngay từ khi xây dựng đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm, phấn đấu đến 2025 sẽ có một sản phẩm đạt 5 sao".

Có thể nói rằng, các sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm OCOP từ cây chè nói riêng là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương. Khi chất lượng các sản phẩm được nâng cao, thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân, rất cần sự tiếp tục quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn để Thái Nguyên có thêm nhiều sản phẩm ocop 5 sao cấp quốc gia.