Nhiều hạn chế của thể chế kinh tế cản trở sự phát triển
Bên cạnh những thành quả quan trọng, thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta vẫn còn không ít hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, “sức khỏe” của doanh nghiệp, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cũng từ đó, niềm tin của một bộ phận người dân nói chung, doanh nghiệp nói riêng đối với định hướng phát triển và sự điều hành nền kinh tế đất nước đã có suy giảm đáng kể.
Môi trường kinh doanh chưa thật sự lành mạnh
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong quá trình tổ chức thực hiện, bộ máy của Đảng, Nhà nước, Chính phủ vẫn chưa tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Mặc dù phát triển kinh tế thị trường nhưng nhiều lĩnh vực kinh tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của thể chế KTTT định hướng XHCN nước ta hiện nay là có sự phân biệt đối xử trong nhận thức của một số Bộ, ngành, một số cán bộ giữa kinh tế nhà nước (KTNN) và kinh tế tư nhân (KTTN).
Hiến pháp đã quy định KTNN là chủ đạo, nhưng cũng quy định các thành phần kinh tế là bình đẳng, cùng hợp tác và cùng cạnh tranh. Tuy nhiên trong thực tiễn, KTTN không có nhiều cơ hội tiếp cận vốn, đất đai, thông tin, mất nhiều cơ hội trong đấu thầu cũng như tiếp cận thị trường.
Từ nhận thức như vậy cho nên vai trò của các hiệp hội, tổ chức đại diện cho KTTN vẫn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự có tiếng nói nhất định trong các tổ chức đại diện quyền lực của Nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn được “ưu ái” về mọi phương diện, chiếm nguồn lực lớn nhưng lại sử dụng không hiệu quả, nhiều dự án thất thoát, làm ăn thua lỗ gây bức xúc dư luận. Mặc dù đã có chủ trương cải cách, thoái vốn, tái cơ cấu DNNN, nhưng quá trình này còn rất chậm.
Sự bất bình đẳng trên dẫn đến hậu quả là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều nhưng giải thể cũng không ít do “hữu sinh, vô dưỡng”. Số lượng các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) dù tăng nhanh về số lượng, nhưng quy mô vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế, khó đầu tư sản xuất lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, đã thành lập thêm hơn 110.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12.478, tăng 31,8% so với năm 2015, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động lên tới 60.667 doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật trong thời gian qua còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, nhiều Bộ Luật ban hành một thời gian chưa thi hành đã phải sửa, không ít Luật đã ban hành nhưng không đi vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Đức, Hà Nội cho rằng, việc lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia khi xây dựng pháp luật vẫn mang tính chung chung, chưa thực sự đảm bảo công khai minh bạch, đôi khi vẫn có tính áp đặt, đẩy cái khó cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, những người làm luật, bộ máy quản lý gần như không phải chịu trách nhiệm khi xây dựng pháp luật thiếu tính thực tiễn, thiếu đồng bộ, thậm chí gây tổn hại cho nền kinh tế.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thể chế kinh tế nước ta vẫn chậm đổi mới, thiếu chủ động trong xây dựng các rào cản không trái với các cam kết quốc tế để bảo vệ thị trường và doanh nghiệp trong nước trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, “Việt Nam đã cải thiện được khi gia nhập thị trường quốc tế, nhưng các vấn đề như hợp đồng, thực thi, các thị trường, nhân tố sản xuất, đất đai, lao động, tài chính, đặc biệt là đất đai còn quá nhiều điều phải nhìn nhận, xem xét, chỉnh sửa…” .
Những hạn chế này khiến các doanh nghiệp trong nước nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung chưa tận dụng có hiệu quả các cơ hội do hội nhập quốc tế đem lại.
Suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào bộ máy QLNN
Những hạn chế của thể chế kinh tế đã dẫn đến sự suy giảm niềm tin của một bộ phận người dân và doanh nghiệp vào sự quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước.
GS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, một trong những “điểm nghẽn lớn nhất đối với tăng trưởng và phát triển hiện nay là lòng tin của doanh nghiệp và người dân bị suy giảm đáng kể do nhiều bất cập phát sinh trong giai đoạn tăng trưởng nóng, làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu lực của thể chế”.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, nêu dẫn chứng, qua theo dõi trong quá trình 10 năm trở lại đây, lấy ý kiến của hàng chục nghìn DNTN, kết quả là mức độ lạc quan, tin tưởng giảm dần, tốc độ giảm tương đối nhanh cho đến năm 2014, nhiều DNTN không có ý định mở rộng mà thu hẹp về sản xuất.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu về khu vực KTTN trong 10 năm (2005-2015) cũng cho thấy, có tình trạng đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam nhỏ dần, số lượng không tăng lên bao nhiêu so với kỳ vọng cũng như so với quốc tế, quy mô doanh nghiệp nhỏ lại, năng suất, hiệu quả kinh doanh đều giảm.
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố, có khoảng 66% doanh nghiệp tại các tỉnh có chỉ số cạnh tranh mức trung bình đã phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức. Việc các doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí để “bôi trơn” đã ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh, nản lòng các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy quản lý Nhà nước tuy đã được cải thiện nhưng vẫn tồn tại. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.