Nhiều cơ sở chế biến lâm sản chưa tuân thủ các quy định pháp luật
Các cơ sở chế biến lâm sản đều bị phản ánh là gây tiếng ồn và làm ảnh hưởng đến môi trường.

Hoạt động chế biến gỗ băm của gia đình ông Phó Đức Năm, thuộc xóm Cao Sơn 1, xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên được người dân cung cấp cho phóng viên.

Theo người dân, cơ sở này không có hàng rào bao quanh, mỗi khi hoạt động tiếng ồn của máy móc phát ra môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, người dân cũng cho rằng cơ sở chế biến gỗ của gia đình ông Năm chưa đầy đủ các thủ tục theo quy định để hoạt động.

Trước việc hoạt động sản xuất của gia đình ông Phó Đức Năm, UBND xã Sơn Cẩm cũng đã kiểm tra, qua đó phát hiện gia đình ông Năm đã xây dựng xưởng gỗ trên đất rừng sản xuất, UBND xã đã tiến hành lập biên bản yêu cầu gia đình ông Năm khắc phục. Đồng thời yêu cầu ông Năm phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục giấy tờ theo quy định, đặc biệt là phương án đảm bảo môi trường.

Ông Hoàng Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên thông tin: “Chúng tôi đã vào tuyên truyền, vận động. Gia đình cũng đã chấp hành một số nội dung theo yêu cầu của UBND xã. Trong quá trình đó, dư luận của nhân dân phản ánh là cơ sở gây tiếng ồn, làm xáo trộn cuộc sống xung quanh. UBND xã đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình ông Phó Đức Năm sử dụng đất sai mục đích”.

Được biết, hiện nay, không chỉ riêng địa bàn xã Sơn Cẩm mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang phát triển ngành nghề sản xuất, chế biến lâm sản. Đây cũng là hướng đi mới để phát triển kinh tế đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị chưa thật sự chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Xưởng sản xuất bóc gỗ của ông Trần Huy Nạp tại tổ 7, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ là một trong những xưởng có quy mô chế biến lớn nhất tại đây, diện tích nhà xưởng, sân bãi lên gần 2ha. Số lượng công nhân tham gia sản xuất khoảng 20 người. Thế nhưng, khi đi vào hoạt động, các thủ tục về môi trường cũng được đơn vị bỏ qua, thậm chí nhà xưởng còn xây dựng sai phép.

Ông Trần Huy Nạp, Chủ xưởng chế biến gỗ, tổ 7, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ lý giải: “Cơ sở sản xuất chế biến gỗ theo dạng thô sơ như thế này thì để đảm bảo 1 quỹ đất theo đúng quy định hợp lệ của Nhà nước với hàng héc ta mang tính chất kinh doanh, đất có sổ đỏ để làm thì tôi cam đoan rằng không có cơ sở nào sẽ làm được đúng quy định của pháp luật như thế. Dĩ nhiên, nghĩa vụ đóng thuế, kê khai báo với kiểm lâm chúng tôi vẫn làm đầy đủ. Nói về ký kết đảm bảo môi trường thì cũng có người hướng dẫn. Nhưng trên địa bàn thì chưa có cơ sở, xưởng gỗ nào được mời đi học tập huấn hay nghe hướng dẫn tập trung lần nào cả. Nhưng cơ quan quản lý ở địa phương thì cũng đã nhắc đến vấn đề này. Tới đây, cơ sở chúng tôi sẽ chú ý hơn”.

Nhiều cơ sở chế biến lâm sản chưa tuân thủ các quy định pháp luật
Rất ít các chủ cơ sở chế biến lâm sản thực hiện đủ các quy định về đất đai.

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, đã có đến gần chục cơ sở chế biến gỗ mọc lên. Diện tích đất để các cơ sở hoạt động lên đến hàng hàng chục héc ta. Song, thực tế hầu hết các cơ sở này đều chỉ xin được giấy phép kinh doanh rồi đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc và đi vào hoạt động.

Trong khi đó, theo quy định, đây là ngành nghề sản xuất kinh doanh có điều kiện, các đơn vị hoạt động lĩnh vực này phải tuân thủ các quy định định về khoảng cách, môi trường, đất sản xuất. Qua tìm hiểu thực tế, hầu hết những cơ sở trên địa bàn thị trấn Trại Cau chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều cơ sở còn xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Khi được hỏi về việc tuân thủ các quy định pháp luật thì các đơn đơn vị này đều rất mơ hồ, rất ít các chủ cơ sở thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ cơ sở chế biến gỗ bóc, tổ 6, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ thông tin: “Ở đây thì mình làm giấy cấp phép kinh doanh xưởng sản xuất ván bóc, chế biến lâm sản. Còn về thủ tục thì ở đây các xưởng chưa được hướng dẫn. Mình là xưởng làm sau, mới làm nên cũng chưa nắm bắt được gì”.

Ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Những cơ sở mọc lên theo nhu cầu của người dân. Còn về việc đăng ký sử dụng đất, chuyển đổi muc đích sử đụng đất cho phù hợp của các tổ chức, cá nhân này là chưa đảm bảo. Vấn đề về môi trường cũng có nhiều bất cập. Trên cơ sở đó, địa phương có đề xuất về quy hoạch chung cho vùng sản xuất, chế biến sâu cho lâm sản, chăn nuôi. Thị trấn Trại Cau cũng đang nỗ lực trong việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có chế biến gỗ này thực hiện đăng ký kế hoạch sử đụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh”.

Phát triển các cơ sở chế biến lâm sản là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để các cơ sở hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế mà không tổn hại đến công tác bảo vệ môi trường, sử dụng đất đúng mục đích, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần rà soát lại cơ sở chế biến lâm sản; kiên quyết đóng cửa cơ sở chưa đủ điều kiện hoạt động, xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường; triển khai phương án đưa các cơ sở vào khu tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân và các chủ cơ sở, từng bước đưa hoạt động chế biến lâm sản vào nề nếp./.