Nhiều bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách dân tộc
Chính sách tín dụng hỗ trợ trồng rừng sản xuất còn thấp so với nhu cầu vay vốn của người dân.

Định mức chi cho bảo vệ rừng 400.000đ/ha/năm không đáp ứng các chi phí, công sức thực tế; chính sách tín dụng hỗ trợ trồng rừng sản xuất với hạn mức vay tối đa 15 triệu đồng/ha còn thấp so với nhu cầu vay vốn của người dân do chu kỳ kinh doanh đối với cây lâm nghiệp có thời gian dài. Trong khi đó, một số chính lại chỉ hỗ trợ một phần, như chưa có kinh phí bốc xếp, vận chuyển gạo cho học sinh bán trú vùng DTTS hay chỉ hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo, chưa có cơ chế hỗ trợ cho trẻ nhà trẻ. Đây là những bất cập khi mà các chính sách dân tộc được xây dựng và ban hành có độ phủ rộng khắp trên các lĩnh vực, nhưng lại dàn trải, chưa tập trung; dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn lựcđể thực hiện.

Ông Phùng Văn Đăng - Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: "Cũng đề nghị các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt hỗ trợ các dự án có hiệu quả thiết thực hơn".

Bà Đoàn Thị Huyền - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Đối với chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, hiện tại mới hỗ trợ được cho trẻ mẫu giáo, còn trẻ nhà trẻ chưa được hỗ trợ. Do vậy việc huy động trẻ nhà trẻ đến trường đang rất khó khăn".

Mặt khác, một số chính sách quy định còn chung chung, thiếu kết nối, đồng bộ với các chính sách khác, thậm chí không phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn, nhất là các chính sách liên quan đến thụ hưởng văn hóa, như: cấp phát sách, báo hay chiếu phim lưu động.

Bà Đào Thị Tâm - Bí thư Chi bộ xóm Cây Thống, xã Đức Lương, Đại Từ, Thái Nguyên chia sẻ: "Chương trình không hấp dẫn giới trẻ, chỉ những người có tuổi của xóm tham gia nên không thu hút đông đảo người dân hưởng ứng".

Phản ánh từ các cơ quan, đơn vị trong diện khảo sát cũng cho thấy, quy trình triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn hiện nay còn rườm rà, phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả sau đầu tư, hỗ trợ còn nhiều bất cập, hạn chế. Đơn cử như việc thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung.

Ông Dương Văn Toản - Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: "Đa số các công trình bàn giao nhỏ lẻ cho địa phương quản lí trực tiếp như thôn bản, xóm, họ không có chuyên môn để quản lí công trình cấp nước. Ngoài ra giá thu tiền nước còn thấp nên thu không đủ bù chi phí để hoạt động, sửa chữa các công trình bị hư hỏng".

Việc ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện một số chính sách của Trung ương chưa kịp thời dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chậm. Trong khi đó, các chính sách dân tộc do từng bộ, ngành khác nhau xây dựng và quản lý nên thiếu đồng bộ, hệ thống và sự kết nối, từ đó gây khó khăn trong quá trình phối hợp triển khai hoặc xử lý, giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh.

Ông Nguyễn Thái Nam - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Nguyên Trưởng ban Dân tộc cho biết: "Trong quá trình phối hợp không nhịp nhàng sẽ bị chậm và không thống nhất, bởi vì thực hiện chính sách dân tộc là 1 trong những nhiệm vụ hết sức phức tạp ở trên địa bàn rộng bị tác động bởi nhiều đối tượng khác nhau. Nhiều cấp ngành phải phối hợp đồng bộ mới giải quyết được".

Nhiều bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách dân tộc

Cũng phải kể đến những khó khăn, bất cập do đặc thù tình hình dân cư và KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng làm giảm hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc. Không thể phủ nhận hiệu quả mà các chính sách dân tộc đã mang lại, tuy nhiên việc nhìn thẳng vào những khó khăn, hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sẽ góp phần quan trọng để việc điều chỉnh các chính sách cũ hoặc ban hành các chính sách mới thực sự có hiệu quả và thiết thực hơn./.