Nhat Ban va My mo rong hop tac ve cac cong nghe then chot hinh anh 1
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura ngày 5/1 cho biết Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ then chốt mới nổi ngoài chip bán dẫn, theo đó bao gồm cả các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Thỏa thuận trên đạt được tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Nishimura với người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo ở thủ đô Washington (Mỹ), cho thấy những nỗ lực mới nhất của hai nước trong giải quyết những vấn đề tiềm ẩn gây tổn hại tới kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nishimura, tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tìm cách sớm phát triển chip bán dẫn thế hệ mới và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ then chốt mới nổi, bao gồm cả máy tính lượng tử.

Ông Nishimura thừa nhận rằng “đã có lúc Nhật Bản và Mỹ bị kẹt trong các tranh chấp thương mại gay gắt, trong đó có lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, nhưng đó là chuyện của quá khứ."

Ông khẳng định: "Nhật Bản và Mỹ hiện là đối tác hợp tác về an ninh kinh tế."

Phía Nhật Bản cho biết Rapidus Corp., một công ty mới thành lập được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, và Tập đoàn công nghệ Mỹ IBM, từng hợp tác trong phát triển các chip bán dẫn thế hệ mới, cũng có kế hoạch phối hợp cùng nhau để xúc tiến và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.

Theo báo cáo được Nhà Trắng công bố hồi tháng 6/2021, năng lực chế tạo chip bán dẫn của thế giới tập trung ở Đông Á, với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) chiếm tới 20% tổng sản lượng toàn cầu năm 2019, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.

Các nhà chế tạo chip của Nhật Bản đã từng thống trị ngành này, chiếm một nửa thị phần toàn cầu vào cuối những năm 1980, nhưng đã chịu sức ép do bất đồng thương mại với Mỹ dẫn tới phải hạn chế xuất khẩu.

Rapidus - liên doanh sản xuất chip thế hệ mới do công ty Toyota, tập đoàn Sony và 6 công ty lớn khác của Nhật Bản thành lập, nằm trong nỗ lực khởi động lại ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản. Rapidus đặt mục tiêu sản xuất chip 2 nanometer tại Nhật Bản bắt đầu vào năm 2027 khi hợp tác với IBM, công ty đã công bố công nghệ đột phá 2 nanometer năm 2021.

Loại chip tiên tiến này có thể được sử dụng cho mạng 5G, máy tính lượng tử, trung tâm dữ liệu, xe tự lái và các thành phố thông minh.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, hai công ty này cũng nhất trí hợp tác để tạo ra thị trường mới cho chip bán dẫn thế hệ mới do Rapidus chế tạo.

Để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, các nhà khoa học và kỹ sư của Rapidus sẽ cùng làm việc với các nhà nghiên cứu của IBM tại Albany Nanotech Complex ở New York (Mỹ), vốn được biết đến là một trong những cơ sở nghiên cứu chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới./.