Nhà trường - doanh nghiệp đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp
1 gian hàng tại “Chợ phiên Nông Lâm”

Tại “Chợ phiên Nông Lâm” - Người tham gia có thể “bán - cho - trao đổi” những món đồ cũ; từ đó, có thể tiết kiệm chi phí hay thể hiện sự sẻ chia khi tặng chúng cho bất cứ ai. Tuy nhiên, không đơn giản dừng lại ở việc tạo ra một chợ phiên trao đổi đồ cũ; tận dụng lợi thế của trường khi có khá nhiều sinh viên nhiều quốc gia trên thế giới theo học cùng những lần trao đổi sinh viên cũng như các khóa tập huấn của giảng viên tại nước ngoài; do đó những món đồ lưu niệm hay ẩm thực đặc trưng của các quốc gia trên thế giới cũng sẽ được giới thiệu và bày bán tại các phiên chợ; tạo những nét văn hóa riêng vô cùng độc đáo.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, Giảng viên chương trình Tiên tiến, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết:“Từ 2 phiên chợ mà bọn mình đã chạy thử, bọn mình bắt đầu nhen nhóm theo ý tưởng đặt hàng của nhà trường thôi. Nhưng sau đó bọn mình muốn làm 1 cái gì đó mới, 1 cái gì đó khác mà lại thu hút được nhiều sinh viên cũng như thu hút được nhiều người quan tâm. Năm 2019 bọn mình thực hiện những phiên chợ đầu tiên đầu tiên Nola Flea Market tại trường Nông Lâm. Quy mô của lần đó là diễn ra khoảng độ 300-400 người tham dự chỉ trong 1 buổi sáng, buổi chiều thôi buổi chiều đến buổi tối. Sau đó mình thấy là à hóa ra là mọi người quan tâm đến vấn đề này rất là nhiều. Sau đó bọn mình thấy cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp của trường Nông Lâm và bọn mình đã bắt đầu xây dựng ý tưởng đó nó quy mô hơn và lớn hơn. Và 1 cái phiên chợ thứ hai ra đời vào tháng 10/2020. Sau một năm, phiên chợ thứ hai này bọn mình tổ chức có quy mô khoảng độ hơn 1000 người gồm sinh viên, cán bộ và những người dân xung quanh. Mình thấy là mọi người cũng rất yêu thích sự mới mẻ này và mình tin là bọn mình có lộ trình để phát triển Nola Flea Market luôn trong thời gian tới đi từng bước một ban đầu. Lúc đầu sẽ là có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, sau đó bọn mình sẽ đi theo hướng thương mại hóa”.

Được đánh giá cao về ý tưởng nên ngay từ khi thành lập - năm 2019, Dự án “NOLA flea market- Chợ phiên Nông Lâm” của cô và trò trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên đã nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Hội đồng trường cũng như từ phía các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhà trường - doanh nghiệp đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp
Những thành viên sáng lập Dự án “NOLA flea market - Chợ phiên Nông Lâm”

Sinh viên Ngô Duy Đông, thành viên dự án chia sẻ: “Đây cũng là lần đầu tiên bọn em làm dự án này.Trước tiên bọn em mới chỉ nghĩ là tìm đâu ra nhà đầu tư và cách quảng bá sự kiện này. Sau đó có sự hỗ trợ của cô chủ nhiệm bọn em cũng đã vượt qua lần đầu tiên tổ chức”.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, giảng viên chương trình Tiên tiến, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tiếp tục chia sẻ: “Kinh phí ban đầu của 2 chương trình đầu tiên bọn mình nhận từ sự hỗ trợ của nhà trường, của văn phòng. Sau cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp,rất may bọn mình nhận được sự cam kết đồng hành của Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Với dự án này, bọn mình đang trong quá trình xây dựng bản kế hoạch kinh doanh và hiện thực hóa ý tưởng thương mại hóa phiên chợ này”.

Với sự thành công bước đầu trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng được sự hỗ trợ từ phía Nhà trường cũng như một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhóm dự án đã triển khai thành công hai phiên chợ, thu hút đông đảo sinh viên trong trường nói riêng, sinh viên trong toàn Đại học Thái Nguyên nói chung. Đây chính là tiền để cho việc mở rộng quy mô dự án trong thời gian tới.

Được biết, để luôn đồng hành, sát cánh cùng sinh viên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp, những năm gần đây, trường Đại học Nông Lâm đã tăng cường tổ chức các khóa đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay những hội nghị kết nối nhà trường với doanh nghiệp để từ đó giúp giảng viên có thêm kinh nghiệm về khởi nghiệp để truyền thụ lại kiến thức cho sinh viên khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, việc trao đổi sinh viên với một số nước tiên tiến trên thế giới cũng là một cơ hội quý giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận những kinh nghiệm khởi nghiệp hay và hiệu quả.

Đây cũng là trường đại học đầu tiên và duy nhất trong khối các trường thuộc Đại học Thái Nguyên thành lập Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp năm 2017. Trong những năm qua, Trung tâm đã tổ chức thành công 10 khoá đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên, giảng viên và cán bộ trong trường với rất nhiều các chủ đề khác nhau như tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; Kỹ năng Pitching; Đổi mới sáng tạo, sỡ hữu trí tuệ; Mô hình kinh doanh Canvas; Sử dụng công cụ số trong kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều hội nghị kết nối giữa giảng viên trong trường với cộng đồng doanh nhân trong tỉnh cũng được tổ chức. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, là dịp để các giảng viên có cơ hội giao lưu, lắng nghe những kinh nghiệm khởi nghiệp vô cùng quý báu từ đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh.

Bà Lý Thị Thùy Dương, Giám đốc Văn phòng Chương trình Tiên tiến Quốc tế, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết về ý nghĩa của việc kết nối doanh nghiệp - nhà trường: “Trong những năm vừa qua, trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã có rất nhiều các hoạt động khác nhau để tổ chức và thúc đẩy cái tinh thần khởi nghiệp của các bạn sinh viên. Một trong những hoạt động trọng tâm là làm thế nào để có thể thúc đẩy quá trình đào tạo về tư duy khởi nghiệp, về tư duy doanh nhân, về tư duy đổi mới sáng tạo dành cho các bạn sinh viên. Và trong cái quá trình mà đào tạo như vậy, qua các năm thì trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên rút ra được những kinh nghiệm vô cùng quý báu đó là làm thế nào để có sự đồng hành của doanh nghiệp, doanh nhân thì những chương trình giảng dạy, đào tạo mới có tính thực tiễn, có thể lan tỏa cũng như truyền cảm hứng tới các bạn sinh viên”.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ doanh nhân xứ Trà tỉnh Thái Nguyên đánh giá: “Hiện nay, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên cũng đã có được trung tâm ươm tạo hoặc những câu lạc bộ khởi nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt là những trung tâm hay câu lạc bộ này đều có sự kết nối mật thiết với doanh nghiệp trên địa bàn để tạo cho sinh viên và các nhóm khởi nghiệm có được môi trường tốt và sự đồng hành tốt nhất trong quá trình khởi nghiệp”.

Nhà trường - doanh nghiệp đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp
Hệ thống tưới tiết kiệm của Israel dựa trên ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ là điểm thăm quan, thực hành mẫu cho sinh viên nông nghiệp trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên

Ngoài ra, những năm gần đây, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã hợp tác với phía Israel để tạo cơ hội cho khoảng 1.000 sinh viên sang thực tập nghề; qua đó, giúp sinh viên có cơ hội học hỏi, làm việc, tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao; các kỹ thuật hiện đại, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; góp phần quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của sinh viên sau khi ra trường.

Em Trần Anh Tú, sinh viên Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết:“Em đã tham gia chương trình trao đổi đào tạo tại Israel từ 2018-2019, khoảng mười một tháng. Ở bên đó, em được thực tập, thực tế và được đi đến lớp được nghe thầy cô giảng về hệ về hệ thống tưới tiêu; cách quản lý nông trại và cách quảng bá sản phẩm nông sản trên thế giới. Qua chương trình này em cảm thấy đây rất hữu ích vì người ta đã đào tạo triệt để từ lúc chăm sóc cây trồng cho đến lúc mà quản lý và đưa ra ngoài thị trường như thế nào”.

Có thể khẳng định, không chỉ thể hiện vai trò ươm tạo các ý tưởng, trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên những năm gần đây đã làm tốt vai trò cầu nối, giúp gắn kết các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên đến được với nhà đầu tư, tạo cơ hội hiện thực hóa, thương mại hóa những ý tưởng khởi nghiệp, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên nhà trường nói riêng, phong trào khởi nghiệp của tỉnh Thái Nguyên nói chung trong thời kỳ mới./.