Người thầy trong nhà lao
Ông Ngô Chính Chữ - Thương binh nặng đặc biệt, Cựu tù Phú Quốc.

Năm 1967, trong một trận càn quét của địch ở chiến trường miền Nam, ông Ngô Chính Chữ bị thương cột sống liệt 2 chi, hỏng một mắt. Ông bị địch bắt tù đày ở Phú Quốc. Tại đây, ông được giao phụ trách công tác bảo mật cơ sở Đảng, làm công việc binh địch vận đấu tranh chính trị với kẻ thù và phụ trách văn hóa. Ông đã tham gia khởi xướng phong trào học tập, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Trong tù ông có bí danh là Nguyễn Tấn Thành, nhiều người không biết tên thật của ông nên vẫn gọi là thầy Thành.

Ông Ngô Chính Chữ - Thương binh nặng đặc biệt, Cựu tù Phú Quốc tâm sự: "khi phát động thành cao trào văn hóa thì người biết một dạy cho người chưa biết và khẩu hiệu thứ hai là học bất cứ ngành nghề gì để sau này mình trở ra tiếp tục phục vụ Tổ quốc".

Sau này, khi bị chuyển tới giam giữ ở nhà tù Biên Hòa ông đã mang ý tưởng đó đến và được quần chúng tham gia rất nhiệt tình. Chiến tranh đã lùi xa, những chiến sĩ trẻ năm nào nay đều đã qua cái tuổi xưa nay hiếm. Hôm nay họ lại có dịp đến thăm người thầy nhưng cũng là đồng đội của mình. Dù thân thể không còn lành lặn, song ký ức về phong trào học tập của các cựu tù Phú Quốc vẫn vẹn nguyên.

Ông Nguyễn Tài Triệu - Thương binh 2/4, Cựu tù Phú Quốc cho biết: "Ví dụ như môn toán thì tôi biết được như thế nào là sin thiếu như thế là cos như thế nào đạo hàm cho nên rằng học hôm nay học một, ngày mai là muốn học lên nữa, mặc dù nó khó khăn nhưng chúng tôi lấy việc học tập là vui và lấy việc học tập để tạo thành khí thế cùng với anh em đấu tranh với kẻ thù".

Ông Vương Khôi - Thương binh 2/4, Cựu tù Phú Quốc cho biết thêm: "Nó bắt được là có đàn áp và bắt được là nó thủ tiêu tất cả những dụng cụ học cho nên chúng tôi phải học lén lút học trên hình thức tự nhập tâm, thầy dạy viết nên nghe cát Chúng tôi làm bài cũng viết lên cát. Đang học lúc nào cũng phải có người túc trực ở ngoài cổng báo thì ngay tức khắc xóa tan hết

Chị Ngô Thanh Hà - Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "con cái trong gia đình đã cố gắng giúp đỡ ông để ông có thể viết được, và chúng tôi muốn in thành một tập hồi ký để tặng cho những người thân và cũng lưu lại cho con cháu, đó cũng là pho sử sống đối với gia đình".

Được trở về sau chiến tranh, xây dựng tổ ấm và nay các con đều đã yên bề gia thất là điều khiến ông Chữ cảm thấy hạnh phúc nhất. Với ông, để có cuộc sống ngày hôm nay là nhờ ý chí và nghị lực. Đó cũng là điều mà ông luôn răn dạy con cháu mình./.