Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã có những nhận định và đánh giá xác thực về tình trạng thoái hóa biến chất trong một bộ phận cán bộ đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước khiến lòng tin của người dân vào Đảng bị suy giảm.

Điều 4 Hiến pháp đã nêu rõ nhiệm vụ của Đảng là lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội. Đảng phải chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình, đồng thời chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng lãnh đạo đất nước, xã hội thành công là khi cả đất nước, xã hội cùng đồng lòng, tin tưởng vào vai trò và con đường đi mà Đảng đã vạch ra. Một khi lòng tin ấy bị lung lay, suy giảm, vai trò lãnh đạo của Đảng cũng sẽ bị yếu đi.

Ông Phan Văn Quảng (đảng viên ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, Đảng ta đặt vấn đề phải chỉnh đốn Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là một chủ trương, yêu cầu hết sức đúng đắn và cấp thiết. Không phải bây giờ Đảng ta mới đề cập vấn đề chỉnh đốn Đảng, nhưng yêu cầu đó được đưa ra vào thời điểm hiện nay, cùng với rất nhiều vụ việc tiêu cực, nhũng nhiễu bị đưa ra ánh sáng, khiến quần chúng nhân dân cảm nhận được ý chí, quyết tâm chính trị của Đảng: nói đi đôi với làm.

Tuy nhiên, theo ông Quảng, quyết tâm chính trị đó cần được biến thành quyết tâm của cả đất nước, được thực thi nghiêm minh từ trên xuống dưới. Mỗi cán bộ đảng viên từ cấp cao nhất cần soi lại mình, để cán bộ đảng viên cấp dưới, quần chúng noi theo. Lòng tin chỉ có được khi sự minh bạch được nhận thấy ở mọi cấp.

Ông Nguyễn Văn Khang (thôn Giáp Tứ, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên các cấp sẽ góp phần thay đổi nhận thức và lấy lại lòng tin của quần chúng. “Cán bộ phải đi trước để làng nước đi sau”, người dân, cấp dưới luôn nhìn vào mỗi việc làm, hành động của cán bộ, của cấp trên. Những việc làm ấy không thể hiện được trách nhiệm, không thể hiện sự gương mẫu, sẽ khó thay đổi được nhận thức và lòng tin của người dân, cấp dưới”, ông Khang nói.

nguoi dan cap duoi luon nhin vao hanh dong cua can bo cap tren

Ông Nguyễn Văn Quynh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để xã hội đặt lòng tin vào Đảng, Nhà nước cần sự nỗ lực từ cả hai phía, nhưng quan trọng hơn phải để cho người dân thấy rằng họ đã đặt lòng tin đúng chỗ. Người dân luôn theo sát mỗi việc làm, hành động của Đảng, của chính quyền và có những đánh giá xác thực nhất về mức độ công tâm của Đảng, của chính quyền dành cho dân. Do vậy, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ nghiêm và nhất quán từ trên xuống dưới các quy định chung, không có ngoại lệ, không có biệt đãi và không thể có một hệ thống quy định riêng cho nhóm đối tượng cụ thể nào.

Những vụ việc tiêu cực liên quan đến nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hay Trịnh Xuân Thanh, có thể nói Đảng đã có cách thức xử lý khá mạnh. Người dân trông đợi việc xử lý quyết liệt, minh bạch, để xác định trách nhiệm và làm gương cho những lớp cán bộ phía sau. Nếu pháp luật chưa quy định chế tài trách nhiệm xử lý vi phạm của cán bộ công chức thì cần kịp thời bổ sung, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, “vá” những khoảng trống pháp luật còn thiếu để ngăn ngừa việc "lách luật" hoặc suy diễn luật nhằm chối bỏ trách nhiệm.

Đó là những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng. Người dân cũng muốn phải lấy hành động và đạo đức làm tiêu chuẩn để đánh giá một bộ máy và cán bộ. Phải rõ trách nhiệm, bổn phận và công khai, minh bạch để người dân biết, đánh giá những việc làm của Đảng, Nhà nước luôn công bằng và không buông tha những hành vi sai trái./.