Làm việc tại một nhà máy thuộc khu công nghiệp Yên Bình, thành phố Phổ Yên, anh Nguyễn Văn Mạnh, ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang phải di chuyển ít nhất hai lần trong ngày qua bến đò Thù Lâm thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên.

Anh Nguyễn Văn Mạnh - Huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Trước khi lên bến phà bến đò này, các bác cũng nhắc mọi người đảm bảo an toàn mặc áo phao, trẻ em đi qua bến đò này thì phải có người lớn đi kèm".

Được cấp phép hoạt động từ nhiều năm nay, mỗi ngày bến đò Thù Lâm có hàng trăm lượt người dân qua lại giữa hai địa phương là Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Để đảm bảo an toàn, ngoài việc trang bị đầy đủ áo phao, vật liệu nổi theo quy định, chủ bến đò còn thường xuyên nhắc nhở mỗi người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật an toàn tham gia giao thông đường thủy.

Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy an toàn giao thông đường thủy
Mỗi ngày bến đò Thù Lâm có hàng trăm lượt người dân qua lại giữa hai địa phương.

Ông Hoàng Văn Chung - Chủ bến đò Thù Lâm, phường Tiên Phong, TP Phổ Yên cho biết: "Luôn luôn có hai người ở đò, một người lái và một người hướng dẫn khách, đăng ký đăng kiểm đầy đủ kỹ thuật về an toàn thực hiện đúng quy định đầy đủ về áo phao, phao cứu hộ, có đủ xào leo, móc neo mỏ neo".

Trên Sông Cầu, chạy qua địa phận tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 bến đò dân sinh được cấp phép hoạt động. Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa năm 2022, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát 500 tờ rơi cho các chủ bến, người dân tham gia giao thông, yêu cầu các chủ bến đò ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật đối với hoạt động giao thông đường thủy.

Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy an toàn giao thông đường thủy
Các chủ bến đò ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật đối với hoạt động giao thông đường thủy.

Thiếu tá Chu Việt Oanh, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đội phân công cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, hàng tuần đều cử cán bộ đi các bến đò khu vực có thuyền của người dân mưu sinh tuyên truyền thực hiện tốt các quy định. Ngoài ra hướng dẫn các chủ máy và những người lái đò thực hiện đúng các quy định, từ các thủ tục cấp phép hoạt động trên các tuyến sông".

Các bến đò ngang sông giúp cho người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn khoảng cách di chuyển. Tuy nhiên hoạt động của các bến đò trở khách này hiện nay cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy. Việc bảo đảm an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng cảnh sát giao thông mà còn là ý thức của mỗi người dân, chủ các bến khi tham gia giao thông. Vì sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người và cho bản thân mình.