Định hình rõ Chính phủ kiến tạo

Từ khi Chính phủ mới ra mắt, cụm từ kiến tạo được coi là phương châm hành động và qua thực tiễn hoạt động của Chính phủ thì vai trò kiến tạo đã được định hình. Thuật ngữ chính phủ kiến tạo phát triển (developmental government), nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ những năm 80 của thế kỉ trước, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.

Ông nhận ra rằng, tồn tại ba mô hình chính phủ: chính phủ điều chỉnh (chính phủ của các nước theo mô hình thị trường tự do); chính phủ kế hoạch hóa tập trung quan liêu (chính phủ của các nước phủ nhận vai trò của thị trường) và chính phủ kiến tạo phát triển (chính phủ của các nước coi trọng vai trò của thị trường, nhưng không tuyệt đối hóa vai trò này, mà tích cực can thiệp để định hướng thị trường). Có thể nói, chính phủ kiến tạo phát triển nằm ở khoảng giữa của hai mô hình chính phủ điều chính và chính phủ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu.

nghi ve chinh phu kien tao

Thật ra, chúng ta chưa định hình được một khung khái niệm sáng tỏ và mạch lạc về chính phủ kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, từ khi sự nghiệp đổi mới bắt đầu (1986), chúng ta đang vận hành chính phủ theo mô hình kiến tạo phát triển. Cụ thể, chúng ta luôn luôn đề ra một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước; chúng ta tích cực vận dụng các quy luật của kinh tế thị trường, nhưng đồng thời cũng tích cực can thiệp vào thị trường để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các mục tiêu phát triển như công nghiệp hóa, xóa đói - giảm nghèo…Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát kiểm tra tình hình kinh doanh, an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM tháng 10/2016

Để kiến tạo phát triển, chính sách, thể chế đóng vai trò hết sức quan trong. Không có chính sách phân bố nguồn lực đúng đắn không thể tạo ra phát triển; không có những thể chế bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do kế ước… khó lòng tạo ra phát triển; không có những thể chế thúc đẩy cạnh tranh khó có thể thúc đẩy phát triển; không có một nền công vụ chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm cung cấp được những dịch vụ công chất lượng cao cho dân khó mà tạo ra phát triển.

Trọng yếu là công tác cán bộ

Để Nhà nước kiến tạo tốt điều cốt yếu nhất vẫn là công tác cán bộ, đây là khâu cần có giải pháp đột phá mới có cơ sở tạo ra những thành công khác. Nhà nước nào cũng cần có những người tài phụng sự, Nhà nước kiến tạo phát triển thì lại cần những người tài hơn. Không có người tài làm sao hoạch định được đường lối phát triển với tầm nhìn đúng đắn trong quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp? Không có người tài làm sao biết cách vận dụng hiệu quả các quy luật của thị trường? Không có người tài làm sao biết cách tác động vào thị trường để thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển? Không có người tài làm sao cung cấp được dịch vụ công chất lượng và giá rẻ cho dân?...

Để có được người tài, công tác cán bộ cần phải được đổi mới. Chúng ta cần phân chia được nguồn nhân lực trong lĩnh vực công thành hai loại: những người tài về chính trị (các chính khách) và những người tài về hành chính – công vụ (các công chức). Để có các chính khách tài giỏi, chúng ta cần xây dựng cho được chế độ tranh cử trong Đảng. Việc tranh cử sẽ giúp cho người tài lộ diện và được bầu chọn. Để có các công chức tài giỏi, chúng ta phải tuyển chọn bằng một chế độ thi tuyển nghiêm túc, khách quan. Những người giỏi chuyên môn hơn sẽ có điểm cao hơn. Những người có điểm cao hơn sẽ được lựa chọn. Vấn đề quan trọng ở đây là đừng để việc thi cử bị thao túng, bị biến thành cách thức để hợp thức hóa việc mua bán chức tước và tuyển dụng người nhà./.

“Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ hiện nay là một tập thể đoàn kết, đây là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo. Tôi thấy Thủ tướng nói rất đúng. Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển là một việc làm mới. Mọi việc làm mới đều phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Không có một tập thể đoàn kết chung sức, chung lòng thì làm sao có thể vượt qua?” – TS. Nguyễn Sĩ Dũng.