Ngày thứ 3 xét xử vụ thất thoát tài sản tại TISCO: Nhiều tình tiết tiếp tục được làm rõ
Quang cảnh ngày thứ 3, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát tài sản ở Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên

Theo cáo buộc, lần đầu tiên, nhượng bộ đòi hỏi của nhà thầu được xác định vào ngày 11/8/2008 khi Tổng giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng ký văn bản gửi cơ quan chủ quản, Bộ Công Thương và VNS xin "cho giải quyết đặc cách" phạm vi được điều chỉnh giá thiết bị và các chi phí khác của dự án.

Nhận kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ trưng cầu nhận định bốn bên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.

Các cơ quan này cùng phản hồi nhấn mạnh đây là hợp đồng trọn gói, chỉ cho phép điều chỉnh giá với phần công việc do nhà thầu Việt Nam đảm nhận, theo Thông tư 09/2008 của Bộ Xây dựng. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, dự toán chưa có mà chỉ căn cứ đề xuất nhà thầu để điều chỉnh giá là "vô căn cứ". Bộ này kiến nghị TISCO "phạt hợp đồng, huỷ đấu thầu".

Cuộc đàm phán 3 ngày từ 4/2 đến 6/2/2009 đánh dấu lần thứ hai, VNS và TISCO nhượng bộ nhà thầu. Theo đó, TISCO đồng ý điều chỉnh giá một lần với 14 loại vật liệu được bù giá. Ngày 23/4/2009, MCC tiếp tục đề xuất, phần xây lắp sẽ do TISCO thực hiện và chịu rủi ro. Nếu giá thực tế vượt quá hợp đồng, TISCO chi trả.

Ngày 31/8/2009, sau khi ông Trần Trọng Mừng nghỉ hưu, người kế nhiệm là bị cáo Trần Văn Khâm đã ký Phụ lục điều chỉnh lần thứ tư của hợp đồng, giới thiệu VINAINCON với MCC, hẹn ngày ký hợp đồng ba bên và chấp nhận "nếu chi phí vượt thì phần tăng thêm sẽ do Chủ đầu tư (TISCO) chịu trách nhiệm thanh toán". Ông Khâm đồng thời gửi tờ trình xin VNS điều chỉnh tăng vốn phần xây lắp hơn 15,6 triệu USD.

Một tháng sau, ông Khâm cùng Tổng giám đốc VINAINCON và đại diện MCC chính thức ký hợp đồng thầu phụ ba bên.

Lần thứ ba lãnh đạo TISCO chấp nhận đòi hỏi của nhà thầu Trung Quốc, với điều khoản ghi trong hợp đồng: "Nếu VINAINCON vi phạm, phải đảm bảo cho MCC miễn chịu trách nhiệm về bất cứ bồi thường tổn thất nào do vi phạm này gây ra".

Cáo trạng kết luận, những hành vi nêu trên của TISCO và VNS đã phá vỡ nguyên tắc hợp đồng trọn gói ký kết ban đầu với MCC, dẫn đến phải điều chỉnh cơ cấu và làm tăng tổng mức đầu tư. Việc này cũng gây bất lợi cho TISCO khi không ràng buộc được trách nhiệm MCC, tạo điều kiện cho nhà thầu này có lý do chối bỏ trách nhiệm.

Việc ký hợp đồng thầu phụ với VINAINCON không cứu vãn được tiến độ dự án.

Vài tháng sau, doanh nghiệp này trả lại phần việc chưa khởi công, thi công cho TISCO do không đủ năng lực. TISCO sau đó tiếp tục ký 13 hợp đồng thầu phụ với 13 nhà thầu khác, song hết hạn hợp đồng, tức 31/5/2011, vẫn chưa hoàn thành. Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 ngừng thực hiện.

Như vậy, sau 14 năm ký hợp đồng thi công với MCC, dự án chưa thể vận hành. TISCO chịu thiệt hại hơn 830 tỷ đồng, là các khoản trả lãi ngân hàng từ khi dừng dự án, đến khi khởi tố vụ án, như cáo trạng đã nêu.

Ngoài việc lãnh đạo TISCO 3 lần nhượng bộ nhà thầu Trung Quốc, một điều đáng chú ý nữa là nhà thầu phụ VINAINCON đưa ra ý kiến bãi bỏ trách nhiệm của mình

Tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO, sau khi điều chỉnh tăng vốn, VINAINCON được chọn thực hiện phần C trong hợp đồng thiết kế, cung cấp, xây dựng số 01.

Về vấn đề này, bị cáo Mai Văn Tinh khai thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên và căn cứ vào văn bản của TISCO trình; thẩm quyền lựa chọn phụ thuộc vào nhà thầu chính chứ không phải của VNS. Còn bị cáo Trần Trọng Mừng thì thừa nhận có trách nhiệm khi không thẩm định, điều tra mà tin vào sự giới thiệu của cấp trên và báo cáo của cấp dưới khi nói đã khảo sát xong. Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương lại nhấn mạnh: VINAINCON là công ty trực thuộc của bộ này. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án, Bộ Công Thương chỉ giới thiệu VINAINCON, còn việc quyết định lựa chọn hay không phụ thuộc vào VNS và TISCO.

Trong phần xét hỏi tại tòa sáng ngày 14-4, đại diện của VINAINCON cho rằng: Công ty là một trong những nhà thầu lớn nhất cả nước ở thời điểm triển khai Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO, đã tham gia làm chủ đầu tư nhiều dự án và đủ năng lực tham gia đấu thầu. Đại diện VINACONE không nhắc đến nội dung giới thiệu của Bộ Công Thương mà cho rằng đã từng tham gia và biết chủ trương của TISCO là tách phần C của hợp đồng xây lắp cho nhà thầu Việt Nam thực hiện nên đăng ký đấu thầu. Hợp đồng được ký theo đơn giá điều chỉnh thời gian và đã triển khai một số phần việc.

VINACONE -nhà thầu phụ cho rằng mình không có lỗi trong việc rút khỏi dự án. Việc dự án chậm tiến độ có lỗi của nhiều bên, trong đó có lý do VINAINCON không nhận được đầy đủ bản vẽ thiết kế hoặc bản vẽ có nhiều điều chỉnh; giải phóng mặt bằng chậm; một số vât liệu phía Trung Quốc cung cấp không đảm bảo tiến độ và nghiệm thu, thanh toán rất chậm. Tuy nhiên, phía VINACON không trả lời được đầy đủ câu hỏi của thẩm phán về việc vì sao đã thuê nhà thầu bên ngoài trong khi hợp đồng đã ký yêu cầu phải thực hiện toàn bộ phần việc theo nội dung đã ký kết.

Như vậy là sau 2 ngày tiến hành phiên xét hỏi, nhiều tình tiết đáng chú ý liên quan đến sai phạm của các bị cáo đã được Hội đồng xét xử làm rõ. Đáng chú ý là việc 3 lần nhượng bộ nhà thầu Trung Quốc dẫn đến những thiệt hại lớn về tài chính, cũng như nhà thầu phụ chối bỏ trách nhiệm của mình. Dự kiến ngày 15/4, phiên tòa sẽ tiếp tục với những nội dung tiếp theo, theo quy trình xét xử vụ án sơ thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của phiên tòa trong các chương trình tiếp theo.