Ngày lễ ông Công, ông Táo trong tâm thức người Việt
Người dân thả cá chép đưa ông Công, ông Táo lên trời.

Ngay từ sáng sớm gia đình ông Đỗ Văn Thao ở Tổ dân phố Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, bếp núc sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đồ lễ được gia đình ông chuẩn bị rất chu toàn từ hương, hoa, vàng mã và không thể thiếu cá chép đỏ để ông Táo cưỡi về trời. Mâm cơm cúng được chế biến, bày biện cẩn thận thể hiện tấm lòng thành kính của gia đình.

Ông Đỗ Văn Thao, TDP Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cho biết: “Gia đình tôi chuẩn bị từ ngày hôm qua và đến sáng hôm nay tập trung tất cả anh chị em về đây để cúng gia tiên. Năm nào cũng như thế, cầu sang năm mới làm ăn bình an”.

Theo tục lệ, lễ cúng ông Công, ông Táo thường được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, bởi dân gian quan niệm, sau thời khắc này, các vị thần đã lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng. Sau khi làm lễ, gia chủ đem cá thả ra sông, suối, ao, hồ với ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Người xưa quan niệm rằng, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình. Chính vì thế, nhiều gia đình mua cá chép sống về làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, thả cá chép thế nào để vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có thể tái tạo nguồn lợi và vừa bảo vệ môi trường là điều mà không phải ai cũng có ý thức đầy đủ.

Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên phân tích thêm: “Chúng ta cần nêu cao ý thức, hiểu về ý nghĩa không những là tâm linh, tín ngưỡng, thành tâm cúng dường, hoặc là phóng sinh 3 con cá chép đỏ, nhưng chúng ta cần đảm bảo cho sự sinh tồn, sự sống của những con cá. Vì vậy, chúng ta phải tìm những nơi có bậc, có bờ, có bến, nhẹ nhàng thả xuống. Phóng sinh rất là tốt. Nhưng nếu chúng ta vứt bừa bãi, bỏ linh tinh, thả từ trên cầu xuống như thế, cá mà chết thì quả phúc không được cao”.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, tổ 13, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi mang xuống tận nơi, thả cho con cá bơi sống, chứ không thả từ trên cao xuống rất mất vệ sinh”.

Ông Đỗ Văn Định, TDP Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cũng cho biết: “Xuống đây thả rất nhẹ nhàng để cho cá sống; thứ hai là túi bóng thì phải gom gọn vào để cho sạch sẽ về môi trường”.

Cúng ông Công, ông Táo được xem là một trong những dấu mốc quan trọng khép lại năm cũ, quên đi những chuyện không may, để chào đón một năm mới tràn đầy hy vọng; là nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp được người Việt giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ.