Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
Toàn cảnh ngày làm việc thứ nhất của Kỳ họp

Trong 54 nội dung được xem xét, thảo luận tại kỳ họp, chỉ có 19 nội dung được trình bày trực tiếp tại hội trường. Các nội dung, báo cáo còn lại được các đại biểu tự nghiên cứu. Trong đó, đáng chú ý là kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022.

Báo cáo đánh giá: Năm 2021, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự linh hoạt, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhìn chung tình hình KT-XH của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể:

- Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước.

- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%.

- Giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 2,4%.

- Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 16.750 tỷ đồng, tăng 10,6%.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 10%.

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt trên 14.600 tỷ đồng, tăng 4,18%, góp phần ổn định đời sống của người dân.

- Đến nay, toàn tỉnh có 102/137 (đạt 75%) xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,65%.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định; tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh sớm ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
Một số chỉ tiêu tăng trưởng mà Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

Đáng chú ý, năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12 toàn quốc về chuyển đổi số, trong đó chính quyền số đứng thứ 03, kinh tế số đứng thứ 19, xã hội số đứng thứ 37.

Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, đó là: Tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân còn chiếm tỷ trọng chưa lớn. Mặc dù duy trì được đà tăng trưởng ổn định nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp; giá bán sản phẩm chăn nuôi giảm sâu, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất; tăng trưởng của khu vực dịch vụ vẫn phụ thuộc vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ công và hoạt động thương mại.

Năm 2022, UBND tỉnh đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 9%.

- Giá trị xuất khẩu tăng 9%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/người/năm.

- Thu ngân sách nhà nước đạt 18.000 tỷ đồng.

- Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên.

Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực để hiện thực hóa các mục tiêu này. Trong đó, chú trọng đến việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển KT-XH.

Ông Trần Quang, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên nhận định: “Năm 2022, theo ngành thống kê, giải pháp đầu tiên là chúng ta vẫn phải làm tốt công tác phòng, chống dịch, tiếp đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thì sẽ có nhiều dư địa từ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển”.

Đối với kết quả công tác năm 2021 và nhiệm vụ trong tâm năm 2022 của HĐND tỉnh do thường trực HĐND tỉnh trình tại kỳ họp cho thấy, trong năm, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 6 kỳ họp, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh và từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số, trong năm, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh khóa XIII theo hình thức trực tuyến với 10 điểm cầu và từ kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XIV được tổ chức theo hình thức “Kỳ họp không giấy”, các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến.

Hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện đúng quyền hạn theo quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử trong nhiệm kỳ mới, nhất là trong công tác thẩm tra phục vụ cho kỳ họp và hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp của HĐND tỉnh.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nghe Thường trực Ủy ban MTTQ, UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh trình bày một số thông báo, báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, như: Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV; báo cáo bằng hình ảnh kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai và tại Nghị quyết số 138; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ tư, của HĐND tỉnh. Đáng chú ý, nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết và giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2026” và Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đất đai, giai đoạn 2019-2021.

Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Hòa, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên khẳng định: “Đây thật sự là sự đổi mới trong nội tại hoạt động của HĐND tỉnh. Qua đó, ác đại biểu thấy rõ trách nhiệm của mình trong thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung tờ trình, báo cáo của HĐND để đảm bảo các nghị quyết đáp ứng được với thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của người dân”.

Trên cơ sở giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả đáng ghi nhận trong năm 2021, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét thảo luận, quyết nghị về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2022. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác này trong bối cảnh tiếp tục chịu nhiều tác động và thách thức từ dịch bệnh

Bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết trên cơ sở Luật và Nghị quyết của Quốc hội và HĐND. Các ngành, địa phương phải căn cứ vào nguồn lực, cơ cấu hợp lý để xây dựng các dự án có tính kết nối chặt chẽ và đảm bảo tính đồng bộ”.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét cho ý kiến vào 2 nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, gồm: Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 và cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Đây là nội dung được các địa phương đặc biệt quan tâm. Bởi thực tế ngoài các xã phấn đấu xây dựng đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao thì cơ bản các xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong giai đoạn này đều là những xã ở vùng khó.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng ta còn địa bàn lớn là những xã vùng sâu, vùng xa và vùng cao chưa đạt được chuẩn nông thôn mới. Những nơi này có điều kiện KT-XH khó khăn. Vì vậy, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra chủ trương phải có Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2021-2025. Trên cơ sở đó chúng ta xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể”.

Đại biểu Đặng Hoàng Nhâm, Tổ đại biểu huyện Đại Từ cho rằng: “Nguồn lực này đã phần nào đảm bảo việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hoàn thành các tiêu chí khác của địa phương. Các địa phương rất mong chờ chương trình này sớm được thông qua để đón nhận nguồn lực từ chương trình nghị quyết này”.

Đặc biệt, kỳ họp này sẽ xem xét thông qua một số chính sách để góp phần đảm bảo tốt công tác an sinh, xã hội đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân như: Hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập; quy định chế độ, hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc gia đình hộ cận nghèo; hỗ trợ chi phí hỏa táng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nghị quyết này sẽ từng bước thay đổi thói quen, phong tục của người dân từ địa táng sang hỏa táng để góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường của người dân trên địa bàn tỉnh”.

Cũng tại phiên làm việc này, các đại biểu đã nghe trình bày các tờ trình quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách; Quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2022; Danh mục các dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.