Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa XIV
Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa XIV

Trong 47 nội dung được xem xét, thảo luận tại Kỳ họp, chỉ có 17 nội dung được trình bày trực tiếp tại Hội trường; các nội dung, báo cáo còn lại được các đại biểu tự nghiên cứu. Đáng chú ý là Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022; nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 được đổi mới hình thức báo cáo bằng hình ảnh. Báo cáo đánh giá: Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp; ở trong nước áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí đầu vào trong sản xuất tăng cao, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đã tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống của Nhân dân; song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra:

- Tăng trưởng kinh tế đạt 8,59%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

- Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục gia tăng, đạt giá trị 932 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,5% trong cơ cấu của nền kinh tế, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 15.200 tỷ đồng, tăng 4,14% so cùng kỳ

- Giá trị xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 32,1 tỷ USD, tăng 10,4%.

- Thu ngân sách nhà nước vượt so với kế hoạch Trung ương và HĐND tỉnh giao, ước đạt trên 18.540 tỷ đồng;

- Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,53 tỷ USD, trong đó có 15 dự án điều chỉnh, mở rộng với số vốn tăng thêm là 1,21 tỷ USD.

- Thái Nguyên đứng tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.

Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa XIV

Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Kế hoạch đầu tư công của năm 2022 thì Ủy ban tỉnh đã phân giao vốn cho từng dự án ngay từ đầu năm. Thứ hai là công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh Thái Nguyên rất tốt cho nên sau khi có phân giao vốn thì triển khai được ngay. Thứ ba là nội dung đặc biệt quan trọng là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án được các địa phương tích cực triển khai, đó là một yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện giải phóng nguồn vốn đầu tư công và trong quá trình triển khai thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc về tiến độ giải ngân và có giải pháp tháo gỡ khó khăn do các dự án".

Chuyển đổi số tiếp tục là động lực quan trọng cho phát triển, năm 2022 Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được tăng cường, tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập phòng thủ năm 2022; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 6,14% xuống còn 4,49% (giảm 1,65% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra). Các cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Đồng chí Phạm Xuân Đương, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận xét: "Biến động về vấn đề kinh tế toàn cầu có những sự lạm phát và suy thoái, rồi vấn đề chiến tranh sắc tộc; rồi dịch bệnh... chúng ta đều phát huy được nhân tố tích cực để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội rất là lớn".

Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa XIV

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể như: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tiêu thụ công nghiệp tăng 9,5%; giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản tăng 3,5%; giá trị xuất khẩu tăng 9%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 10% so với năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng một người/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.000 tỷ đồng; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm đạt 11 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 1% trở lên.

Trên cơ sở các mục tiêu nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực để hiện thực hóa các mục tiêu này, trong đó tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả chủ động thích ứng với tình hình mới đối với kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp cho thấy trong năm Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công 6 kỳ họp, trong đó có 2 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp chuyên đề đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Qua đó xem xét cho ý kiến vào 140 nội dung, quyết nghị 105 Nghị quyết.

Việc xem xét giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh giữa hai kỳ họp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục được đổi mới theo hướng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nhất là trong công tác thẩm tra phục vụ các kỳ họp và các hoạt động khảo sát giám sát.

Trong năm đã ghi nhận khối lượng công việc lớn của Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với những cuộc giám sát chuyên đề và tham gia bốn chương trình giám sát của các cơ quan trung ương.

Theo đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: "Hình thức giám sát thì đa dạng, giám sát trực tiếp qua báo cáo, nội dung giám sát, chất lượng của các hoạt động giám sát được nâng lên, góp phần vào kết quả chung trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên".

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy, Tổ đại biểu huyện Võ Nhai cho biết: "Trong năm 2022 Hội đồng dân tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức và chỉ đạo giám sát 16 cuộc giám sát chuyên đề và giám sát thường kỳ. Có thể nói là các vấn đề mà Hội đồng nhân dân tỉnh lựa chọn đều sát với thực tế và đảm bảo được sự chỉ đạo của cấp trên, cũng như xuất phát từ yêu cầu của các địa phương và của cử tri và nhân dân trên địa bàn"./.