Ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh ngày làm việc thứ 4 tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Trong chương trình làm việc buổi sáng, các đại biểu nghe 2 Tờ trình về: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và 2 báo cáo thẩm tra đối với 2 dự án luật này. Đồng tình, thống nhất cao với việc cần thiết phải sửa đổi đối với 2 luật này để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, các đại biểu tại Tổ đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung.

Cụ thể, đối với Luật Thi đua khen thưởng đã sửa 94/98 điều, các đại biểu cho rằng: Luật cần bao quát hết các đối tượng khen thưởng gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, cần quan tâm, ghi nhận đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong. Đây là lực lượng được thành lập chỉ sau Quân đội nhân dân Việt Nam hơn 5 năm và phát tích thành lập tại đồi Gò Thờ, Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Kể từ khi thành lập, lực lượng này luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, xứ mệnh qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc và đã có nhiều hy sinh. Trong đó, có 60 liệt sỹ thanh niên xung phong Đại hội 915, đội 91 Bắc Thái vào đêm 24/12/1972, đây là sự hi sinh lớn nhất của lực lượng thanh niên xung phong tại cùng một thời điểm, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã 3 Đồng Lộc vào ngày 24/7/1968.

Các đại biểu đề nghị sớm khen thưởng đối với các cá nhân và tập thể, đồng thời bổ sung thanh niên xung phong vào đối tượng được xem xét tặng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhất tại Điều 42 của dự thảo Luật.

Về nội dung khen thưởng đại biểu Quốc hội có đóng góp, đề nghị sửa đổi thành khen thưởng đại biểu dân cử các cấp. Đồng thời, bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có hành gây cản trở, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

Đối với Luật Điện ảnh, các đại biểu nhất trí cho rằng, trong xu thế hội nhập như hiện nay, điện ảnh cần được nhìn nhận như một ngành công nghiệp văn hóa, chứ không chỉ là một loại hình nghệ thuật, bởi vậy cần có hành lang pháp lý thuận lợi, có chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật mới chỉ quy định chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phim do Nhà nước đặt hàng mà chưa có ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đối với các nhà sản xuất bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Do đó, cần quy định nội dung này vào dự thảo Luật.

Về cấp giấy phép phân loại phim, dự thảo Luật quy định thẩm quyền thuộc UBND cấp tỉnh, nhưng theo các đại biểu, thẩm quyền này nên giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe trình bày các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2021; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Công tác thi hành án năm 2021; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến và các báo cáo thẩm tra đối với tùng nội dung này.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về các nội dung được báo cáo. Đây là phiên thảo luận trực tuyến đầu tiên của kỳ họp này.

Các đại biểu đồng tình, đánh giá cao kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng đề nghị làm rõ một số nội dung được đề cập như: Số cuộc thanh tra hành chính, chuyên ngành trong năm 2021 giảm so với năm 2020, nhưng số vụ, mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng; Việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế giảm so với các năm trước; Đề nghị Chính phủ cần phân tích làm rõ những số liệu trên cơ sở phân tích so sánh, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, có giải pháp khắc phục; Để tạo điều kiện cho Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát, đề nghị bổ sung kết quả giải quyết kiến nghị của các cơ quan trong năm trước đó.

Đối với việc xử lý các vụ việc và đối tượng tham nhũng liên quan tới an sinh xã hội cần xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.