Ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên - sự kiện quan trọng ghi dấu ấn
2 địa phương thực hiện mô hình thí điểm xã chuyển đổi số của tỉnh là Sảng Mộc của huyện Võ Nhai và La Bằng của huyện Đại Từ, ngay trong quý 1/2021 đã hoàn thiện nhiều hạng mục công việc đáp ứng cho chính quyền thông minh, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế.

Công bố và tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi số hàng năm của tỉnh, thành phố là một trong những nội dung nằm trong Bộ chỉ số đánh giá chuyển đối số được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, nhằm đánh giá quá trình thực hiện chuyển đổi số của các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương. Là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, việc Thái Nguyên ấn định ngày 31/12 hàng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh còn là bước bắt buộc cần phải có để tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Việc chuyển đổi số, tôi cho đây là một tầm nhìn xa và nhạy cảm đối với vấn đề, cũng là thể hiện sự khát vọng thịnh vượng, hùng cường của dân tộc, cụ thể là ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tôi xin chúc mừng tầm nhìn đó".

Ông Đào Ngọc Tuất, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Hàng năm, Ngày chuyển đổi số là dấu ấn, mốc để chúng ta đánh giá nhìn nhận lại công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong năm qua; hơn nữa là diễn đàn, cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia gặp gỡ, chia sẻ về chuyển đổi số, cung cấp những giải pháp, kinh nghiệm, tạo tiền đề, đóng góp rất lớn cho việc chuyển đổi số của tỉnh".

Đối với Thái Nguyên, từ năm 2021-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương. 2 địa phương thực hiện mô hình thí điểm xã chuyển đổi số của tỉnh là Sảng Mộc của huyện Võ Nhai và La Bằng của huyện Đại Từ, ngay trong quý 1/2021 đã hoàn thiện nhiều hạng mục công việc đáp ứng cho chính quyền thông minh, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Ông Đào Ngọc Tuất, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết thêm: "Đến thời điểm hiện tại, xã La Bằng hoàn thành tương đối các hạng mục đối với bộ chỉ chuyển đổi số cấp xã; xã Sảng Mộc kéo được tuyến cáp quang dài hơn 8km đoạn từ UBND xã đi vào xóm Khuổi Mèo, đến trường cấp 1, 2 Tiên Sơn có Internet. Trang thiết bị, hệ thống phần mềm, các bộ khám, chữa bệnh từ xa ở 2 trạm y tế của La Bằng và Sảng Mộc đã hoàn thiện".

Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Thái Nguyên phát triển đột phá. Chuyển đổi số cần sự đóng góp của các ngành quan trọng như là “Một đội ngũ cần tiên phong, giữ đội hình, nắm tay nhau bước thật đều, thật nhanh” để đưa Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu trở thành địa phương đứng đầu của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố và năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Trong dòng chảy đó, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đang quyết tâm hoàn thành việc số hóa trong quản lý cây xanh, nhằm bảo vệ tốt hơn 30.900ha rừng tập trung của tỉnh. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Quản lý cây xanh trên địa bàn toàn tỉnh gắn với việc thực hiện chuyển đổi số; trong đó, sẽ xây dựng phần mềm để quản lý cây xanh cụ thể như: cây xanh đô thị, cây xanh trong các khu di tích, trong các trường học, trong các đơn vị cũng như cây xanh phân tán ở khu vực địa bàn nông thôn".

Với vai trò là trung tâm vùng, ngành Y tế Thái Nguyên đã tiên phong cùng nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc sẵn sàng những điều kiện để thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tiến sỹ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Triển khai việc khám, chữa bệnh từ xa, trước tiên sẽ kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với bệnh viện tuyến huyện' tuyến tỉnh với nhau; tuyến tỉnh, huyện với tuyến trung ương; thực hiện bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân; công khai, minh bạch trong việc quản lý tài sản, tài chính công".

Ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên - sự kiện quan trọng ghi dấu ấn
Ngành Tài chính ngân hàng đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại.

Gần 50% các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking. Đó là những con số đòi hỏi ngành Tài chính ngân hàng trên địa bàn phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại; đồng thời, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên thông tin: "Cơ sở hạ tầng, trình độ cán bộ, khả năng kết nối với các ngành cơ bản đáp ứng được. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng đã, đang triển khai tốt việc thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền học phí, tiền viện phí và một số dịch vụ công khác".

Để chuyển đổi số thành công thì phát triển nguồn nhân lực nhằm đón đầu xu thế giữ vai trò mang tính quyết định. Song song với ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ mới trong quản lý vận hành, khai thác và phát triển số hóa trong đào tạo, Đại học Thái Nguyên với vai trò là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước đang có cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số của công dân toàn cầu. GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: "Trong đào tạo nguồn lực, chúng tôi nhấn mạnh khía cạnh chuyển đổi số trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý, chúng tôi cũng tham gia với trách nhiệm của cơ quan nghiên cứu khoa học cùng với tỉnh thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số thành công".

Ngày chuyển đổi số của tỉnh là một dấu mốc quan trọng để sau này đánh giá, nhìn nhận kết quả chuyển đổi số của tỉnh qua từng năm. Đó cũng là một trong những bước để Thái Nguyên hiện thực hóa khát vọng phát triển./.