Ngành Y tế Thái Nguyên sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số - đã ps cm skds 23.4
Trạm Y tế Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ và bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã thực hiện ca chẩn đoán và xử trí ban đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp được kết nối giữa qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.

Trạm Y tế Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ và bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã thực hiện ca chẩn đoán và xử trí ban đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp được kết nối giữa qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Nhờ có hệ thống này, các y, bác sỹ của Trạm Y tế vùng cao Văn Lăng có thể trực tiếp trao đổi chuyên môn với tuyến trên khi gặp những ca bệnh phức tạp, giúp cho người dân nơi đây được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Bác sĩ Phạm Thị Thanh, Trạm Y tế xã Văn Lăng chia sẻ: "Tại xã vùng cao, việc khám, chữa bệnh từ xa sẽ có thuận lợi là khi gặp những trường hợp khó khăn hoặc chuyên môn sâu thì Trạm Y tế nhiều lúc cũng lúng túng, chúng tôi có thể trao đổi với bác sĩ tuyến trên sẽ giúp cho có hướng xử trí tốt hơn cho bệnh nhân".

Trạm Y tế Văn Lăng là cơ sở y tế tuyến xã đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên thực hiện thí điểm khám, chữa bệnh từ xa. Đây là một bước tiến của ngành y tế Thái Nguyên trong việc thực hiện Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025. Đến nay, toàn tỉnh đã có 17 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh/huyện đăng ký thực hiện khám chữa bệnh từ xa cho người dân được kết nối với các bệnh viện Trung ương và bệnh viện đầu ngành. Các bệnh viện tuyến trên đã tổ chức một số buổi hội chẩn điều trị, xử trí trực tiếp ca bệnh với các bệnh viện tuyến dưới. Cùng với việc thực hiện hoàn thiện bệnh án điện tử với tỷ lệ hơn 30% số bệnh án được số hóa, các bệnh viện tuyến tỉnh đang nỗ lực thực hiện việc chuyển đổi số hiệu quả.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho hay: "Từ trước đến nay, chúng tôi phải chuyển bệnh nhân từ bệnh viện xuống Hà Nội, từ khi triển khai quyết định của Bộ Y tế thì bác sĩ tại bệnh viện có thể được trao đổi, được gặp gỡ các thầy, được hội chẩn, sau đó, có hướng giải quyết cho người bệnh".

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: "Bệnh viện của chúng tôi là bệnh viện đa khoa, sẽ phục vụ rất tốt cho chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện. Thông qua hội chẩn, chúng tôi không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nữa, điều trị trực tiếp tại đây dưới sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trung ương".

Năm 2020, mặc dù ngành y tế đã phải dồn phần lớn lực lượng vào công tác phòng chống dịch COVID-19, song ngành cũng đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số với những kết quả cao như: 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; 100% văn bản đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Bước đầu công khai trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế, trên 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. Trong phòng, chống COVID-19, công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Thái Nguyên cùng với cả nước đã ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19. Đơn cử như Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên - là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số của ngành y tế, xây dựng đề án bệnh viện thông minh và có những bước đi đầu tiên cũng như kế hoạch dài hạn cho quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên thông tin: "Thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và Quyết định số 20 của Sở Y tế Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm, xây dựng đề án bệnh viện thông minh và triển khai các nội dung trong đề án, phấn đấu thực hiện các mức tiêu chí công nghệ thông tin theo quy định tại Thông tư 454 của Bộ Y tế. Trong đó, nhóm tiêu chí hạ tầng về công nghệ thông tin và phần mềm quản lý bệnh viện đạt mức 6; nhóm tiêu chí hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, hệ thống xét nghiệm đạt mức nâng cao; triển khai bệnh án điện tử toàn diện; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện; triển khai phần mềm chữ ký số trong quản lý và điều hành. Ngoài ra, bệnh viện đã xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá các biện pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền và thông qua đó, chúng tôi đã thực hiện công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân có nhu cầu và hướng tới xây dựng mô hình khám, chữa bệnh từ xa".

Không chỉ ở tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chuyển đổi số. Bệnh viện Đa khoa huyện Phú bình là một trong những đơn vị tuyến huyện có hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đạt mức 4. Hệ thống máy tính, mạng máy tính phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh không ngừng được cải tiến nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công nghệ thông tin. 90% văn bản đến và đi được thực hiện trên môi trường mạng. Các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện, phần mềm kế toán; báo cáo thống kê được triển khai có hiệu quả; thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm Xã hội qua hệ thống giám định điện tử. Công tác báo cáo thống kê theo Thông tư 37/2019/TT-BYT cũng được cập nhật hàng tháng trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế. Trong lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình đã và đang khắc phục mọi khó khăn, cùng với ngành y tế tỉnh nhà quyết tâm xây dựng nền công nghệ thông tin y tế thông minh.

Bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Bình cho hay: "Hiện tại, một số phần mềm của chúng tôi đang ở cấp độ 2, cấp độ 4, nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm đưa sớm nhất 1 số cấp độ đến năm 2022 lên cấp độ 4, cấp độ 6; đến năm 2025, sẽ cố gắng đạt cấp độ 7 và triển khai bệnh án điện tử hoàn toàn. Chúng tôi mong muốn được trang bị thêm máy tính; cải tiến, nâng cấp phần mềm, trang bị thêm hệ thống tường lửa bảo mật; được đào tạo con người".

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã cho thấy những hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước; giảm quá tải, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, nâng cao hiệu suất và giải quyết xử lý nhanh các công việc, giảm thiểu sự cố y khoa. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành y tế đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ chất lượng cao ngay tại tuyến tỉnh.

Ngành Y tế Thái Nguyên sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số - đã ps cm skds 23.4
Tiến sỹ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên trao đổi với phóng viên.

Tiến sỹ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên nhấn mạnh: "Đối với Đề án y tế thông minh, chúng tôi sẽ triển khai việc khám, chữa bệnh từ xa. Nội dung này chúng tôi đã bắt đầu triển khai và kết nối giữa các bệnh viện của tuyến tỉnh với các bệnh viện tuyến huyện, bên cạnh đó, kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với nhau; kết nối bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện với các bệnh viện tuyến Trung ương, để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị. Thực hiện bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân, chúng ta sẽ có kho dữ liệu dùng chung về sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh và kết nối với cổng dữ liệu quốc gia".

Với nền tảng về hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng ngay từ tuyến y tế cơ sở, hạ tầng và nhân lực chất lượng cao tại y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương đóng trên địa bàn, y tế Thái Nguyên sẽ tiếp tục vững tin trong lộ trình chuyển đổi số, góp phần vào mục tiêu đến năm 2025, Thái Nguyên sẽ trở thành 1 trong 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số./.