Ngành Y tế Thái Nguyên sẵn sàng thực hiện chuyển đối số
Ngành Y tế Thái Nguyên đã sẵn sàng những điều kiện để thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nhiều năm nay, những giấy tờ gồm tài liệu, báo cáo được lưu trữ đã giảm dần đi ở những trạm y tế cơ sở như Trạm Y tế Phố Cò, TP Sông Công. Bởi, hầu hết các báo cáo, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ các chương trình y tế ở cơ sở đều được thực hiện trên phần mềm.

Bác sĩ Dương Thị Liên, Trạm trưởng Trạm Y tế Phố Cò, TP Sông Công chia sẻ: "Những năm trước khi chưa có công nghệ phần mềm, toàn bộ phải làm bằng tay, sẽ mất rất nhiều thời gian, bây giờ, có công nghệ cũng tạo điều kiện cho rất nhiều cán bộ ở dưới tuyến cơ sở như tiết kiệm được nhiều thời gian trong tất cả các mảng khám, chữa bệnh, sổ sách, báo cáo rất thuận tiện".

Ngoài giờ thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ ở Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện C Thái Nguyên lại thực hiện việc hoàn thiện bệnh án điện tử. Với tỷ lệ hơn 30% số bệnh án được số hóa, cùng với việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, Bệnh viện C Thái Nguyên cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh đang nỗ lực thực hiện việc chuyển đổi số hiệu quả.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho hay: "Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn phải chuyển bệnh nhân từ bệnh viện xuống Hà Nội, sau đó, gặp được các thầy cho có ý kiến; nhưng từ ngày chúng tôi triển khai theo Quyết định của Bộ Y tế thì bác sỹ tại bệnh viện có thể được trao đổi, gặp gỡ các thầy, hội chẩn, sau đó có hướng giải quyết cho người bệnh".

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: "Bệnh viện A là một bệnh viện đa khoa, việc ứng dụng công nghệ sẽ phục vụ rất tốt cho việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện. Thông qua hội chẩn, chúng tôi không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và sẽ điều trị trực tiếp tại bệnh viện, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trung ương".

Năm 2020, mặc dù, ngành Y tế đã phải dồn phần lớn lực lượng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, song, ngành cũng đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số với những kết quả cao như: 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Bước đầu công khai trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế, trên 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. Trong phòng, chống COVID-19, công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19. Y tế Thái Nguyên với vai trò là trung tâm vùng, đã có những bước đi đầu tiên cũng như kế hoạch dài hạn cho việc thực hiện chuyển đổi số.

Ngành Y tế Thái Nguyên sẵn sàng thực hiện chuyển đối số
Tiến sỹ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên.

Trao đổi về nội dung này, Tiến sỹ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Đối với đề án y tế thông minh, chúng tôi sẽ triển khai khám, chữa bệnh từ xa. Nội dung này chúng tôi đã bắt đầu triển khai và sẽ kết nối giữa các bệnh viện của tuyến tỉnh với các bệnh viện tuyến huyện. Bên cạnh đó, kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với nhau; kết nối bệnh viện tuyến tỉnh, huyện với các bệnh viện trung ương để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị. Cùng với đó, thực hiện bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân, chúng ta sẽ có được kho dữ liệu dùng chung về sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh và kết nối với cổng dữ liệu quốc gia".

Với nền tảng về hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng ngay từ tuyến y tế cơ sở, hạ tầng và nhân lực chất lượng cao tại y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương đóng trên địa bàn, y tế Thái Nguyên sẽ tiếp tục vững tin trong lộ trình chuyển đổi số, góp phần vào mục tiêu đến năm 2025 Thái Nguyên sẽ trở thành 1 trong 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số./.