Ngành Công thương triển khai nhiệm vụ năm 2022
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.

Năm 2021, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, nhằm khôi phục lại chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa, đồng hành cùng doanh nghiệp quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân thích ứng với tình hình dịch COVID-19. Qua đó, giá trị ngành công nghiệp tăng trên 4,8%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt gần 4 triệu 790 nghìn tỷ đồng.

Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo nhanh về những kết quả đạt được của tỉnh. Theo đó, năm 2021, 13/25 chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh đều vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao và nằm trong tốp đầu của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,51%, thu ngân sách trên 18 nghìn tỷ đồng, đưa Thái Nguyên nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước. Giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 2,4% so với kế hoạch, tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 Vùng thủ đô Hà Nội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ...

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm phân bổ tất cả các nguồn vốn đầu tư để tập trung ngay từ những ngày đầu của năm, kết thúc năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 143% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, toàn tỉnh có 170 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đã đăng ký trên 9,67 tỷ đô la Mỹ và trên 800 dự án đầu tư ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký trên 143 nghìn tỷ đồng.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm giúp đỡ tỉnh Thái Nguyên triển khai các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 và các năm tiếp theo như: Quy hoạch tỉnh; triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh; các dự án hạ tầng khu công nghiệp; các tuyến đường giao thông liên kết vùng; dự án khu nông nghiệp ứng dụng cao, khu công nghệ thông tin tập trung… nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Ghi nhận những kết quả đã được của ngành công thương, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí....., Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu: Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng Quy hoạch ngành quốc gia đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030.....; làm tốt công tác dự báo thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả xúc tiến thương mại; đặc biệt xuất nhập khẩu phải bền vững lâu dài, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, không để hàng hóa ùn ứ tại cảng biển, cửa khẩu..; đồng thời, phát triển thương mại nội địa; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng...