Ngành chè trước những thách thức từ EVFTA
Khu đóng gói và bảo quản chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, TP Thái Nguyên

Mở rộng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại là những phần việc Hợp tác xã chè Hảo Đạt, TP Thái Nguyên đang tích cực triển khai với mong muốn các sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường lớn như EU. Bởi những năm qua, sản phẩm chè của đơn vị chủ yếu được đưa sang những thị trường truyền thống với giá trị xuất khẩu rất thấp.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt chia sẻ: “Tôi cũng mong muốn sản phẩm đã làm được tốt, giá trị sản phẩm cao để đưa ra quốc tế.”

Ngành chè trước những thách thức từ EVFTA
Sản phẩm Trà của Hợp tác xã chè Tân Hương

Còn đối với Hợp tác xã chè Tân Hương, dù là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified tại Việt Nam cho sản phẩm trà, nhưng hiện HTX vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Làm thế nào đề xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sản xuất chè hữu cơ với chất lượng ổn định, hướng tới xuất khẩu bền vững là điều mà các thành viên hợp tác xã trăn trở:

Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Hương cho biết: “Tôi đang dần dần thuyết phục nông dân bằng việc mình trong Hội đồng quản trị mình làm trước, sau đó sẽ nhân rộng ra.”

Ngành chè trước những thách thức từ EVFTA
Các Hợp tác xã chè đang chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sản xuất chè hữu cơ

Theo số liệu thống kê, những năm qua, tổng giá trị xuất khẩu chính ngạch sản phẩm chè của tỉnh đạt thấp và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2017, tỉnh xuất khẩu 2,3 nghìn tấn chè với tổng giá trị 4,3 triệu USD; năm 2018 giảm xuống còn 1,9 nghìn tấn; đến năm 2019 tiếp tục giảm còn 1,5 nghìn tấn với giá trị 2,5 triệu USD. Có thể nói, giá trị xuất khẩu này chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Các doanh nghiệp có vùng chè riêng, nguyên liệu riêng rất là ít, thậm chí không còn, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chủ động đảm bảo chất lượng chè cho xuất khẩu theo yêu cầu của bạn hàng.”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên cũng chia sẻ: “ Tàn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa đảm bảo theo các tiêu chuẩn của EU. Mình thành lập Hiệp hội chè của Thái Nguyên để đại diện cho các HTX để làm công tác đối ngoại .”

Để chè Thái Nguyên hội nhập với thế giới nhằm mang lại giá trị kinh tế lâu dài, bền vững, các hợp tác xã và các ngành chức năng liên quan cần có những bước đi, chính sách hợp lý, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của địa phương./.