Nâng tầm thương hiệu chè từ OCOP
Nhiều thương hiệu chè Thái Nguyên đạt các tiêu chí OCOP

Với 30 thành viên chính thức và 50 thành viên liên kết với 30ha chè nguyên liệu. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương sản xuất và chế biến từ 400 đến 700 tấn chè khô. Năm 2019, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, HTX có 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Từ đó, giá bán sản phẩm cũng cao hơn khoảng 20% so với trước. Đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu là mục tiêu mà hợp tác xã đang hướng tới.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng để đạt 5 sao để sản phẩm của mình đưa ra thị trường tốt hơn và người tiêu dùng yên tâm hơn".

Mong muốn được thử sức cũng như chinh phục các giải thưởng OCOP cho sản phầm trà của gia đình, tháng 9 vừa qua, anh Bùi Tiến Yên ở xã Tân Cương đã quyết định đứng ra thành lập HTX với 10 thành viên. Tận dụng những lợi thế sẵn có, cùng với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh về nguồn vốn và kỹ thuật, HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên đang hướng đến xây dựng sản phầm chè OCOP gắn với du lịch cộng đồng.

Anh Bùi Tiến Yên, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên: "Chúng tôi sẽ cố gắng thi 1-2 sản phẩm OCOP để phát triển thương hiệu chè Tiến Yên. Chúng tôi đã đi tham quan và nhận thấy làm du lịch cộng đồng không khó mà còn có thêm cơ hội để quảng bá sản phẩm cả trong nước và quốc tế".

Nâng tầm thương hiệu chè từ OCOP
Mô hình xây dựng sản phầm chè OCOP gắn với du lịch cộng đồng

Năm 2019, năm đầu tiên thực hiện Chương trình OCOP, Thành phố Thái Nguyên đã có 8/25 sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đều 3 sao. Năm nay, địa phương này tiếp tục có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với 17 sản phẩm trà đạt tuyệt đối chất lượng 4 sao. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình tham gia dự thi chương trình mỗi xã phường một sản phẩm của các hợp tác xã còn gặp một số khó khăn.

Theo anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX Chè Trung du Tân Cương, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên: "Bà con nhân dân làm một bộ hồ sơ là khó khăn. Chúng tôi mong muốn các sở ngành, đoàn thể hỗ trợ thêm về các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, cách làm để bộ hồ sơ được hoàn thiện tốt hơn".

Việc chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP đã mang lại cho thành phố ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu ngân sách cho nhà nước cũng không ngừng tăng lên. Những năm gần đây, các hợp tác xã chè trên địa bàn nộp ngân sách nhà nước trung bình từ 100 đến 400 triệu đồng/năm. Để hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn các quy trình kỹ thuật trong sản xuất cũng như quá trình xét duyệt hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP.