Nâng tầm giá trị sản phẩm ocop và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
HTX miến Việt Cường được công nhận Ocop cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Ngay từ khi mới thành lập, HTX miến Việt Cường đã định hướng việc tiếp cận thị trường thông qua các sản phẩm có chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Quy trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tem nhãn mác, thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đã tạo uy tín, thương hiệu giúp cho 3 năm liên tiếp HTX đều có sản phẩm được công nhận Ocop cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Anh Nguyễn Văn Ba - Giám đốc HTX miến Việt Cường, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Chứng nhận Ocop bây giờ như một giấy thông hành, có sản phẩm đạt chuẩn Ocop như tạo một lòng tin cho khách hàng yên tâm mua sản phẩm".

Cũng với mong muốn nâng tầm cho sản phẩm qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây các xã viên của HTX Tân Hoàng Trà đã cùng thống nhất quy trình từ chăm sóc đến thu hái và chế biến. Với chất lượng đã được khẳng định, đầu tháng 10 vừa qua, sản phẩm trà nõn (chè nõn) Tân Hoàng Trà vinh dự được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 5, năm 2022.

Nâng tầm giá trị sản phẩm ocop và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Sản phẩm trà nõn Tân Hoàng Trà được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 5, năm 2022.

Ông Hoàng Văn Thủy - Chủ tịch HĐQT HTX Tân Hoàng Trà, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Người dân phải xác định rõ hướng làm chè sạch nên phải tuyên truyền cho họ thấm nhuần suy nghĩ và đi đến hành động thực tế".

Ông Khổng Quốc Vĩnh - Thành viên HTX Tân Hoàng Trà, xóm 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Lợi ích của người dân chúng tôi điều đầu tiên là phải đảm bảo sức khỏe, sản phẩm mình làm ra để người tiêu dùng tin tưởng đó là sản phẩm sạch, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm cũng như uy tín các thành viên trong HTX, giúp đời sống các hội viên cải thiện".

Để được công nhận các sản phẩm Ocop và nông nghiệp tiêu biểu, các địa phương và HTX ngoài áp dụng quy trình sản xuất an toàn còn phải đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Yếu tố này đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao.

Ông Dương Tiến Vững - Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ cho biết: "Địa phương cũng đã quy hoạch các vùng chè tập trung của Sông Cầu, bên cạnh đó từng bước đầu tư nâng cấp hệ thống phục vụ sản xuất chế biến chè của nhân dân. Cùng với đó cũng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để có các cơ chế chính sách phát triển".

Bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: "Huyện Đồng Hỷ cũng đã có rất nhiều cơ chế hộ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung đầu tư phát triển các cây chủ lực theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, hướng tới giá trị của sản phẩm nông nghiệp được nâng lên và có thị trường tiêu thụ ổn định".

Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Đồng Hỷ tiếp tục định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản phẩm Ocop và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.