Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Bao bì sản phẩm gạo đã được tạo mã QR truy xuất nguồn gốc, tem nhãn sản phẩm để hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử, bán hàng online |
Những ngay này, Tổ hợp tác sản xuất gạo J02 ở xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa đang tất bật chuẩn bị đơn hàng cho các cửa hàng, siêu thị và người tiêu dùng. Giờ đây, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh gạo của Tổ hợp tác đã được giao đi mọi miền Tổ quốc. Đây là mô hình sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng trong triển khai Dự án 8 từ năm 2023. Theo đó, các thành viên tham gia được đào tạo, cung cấp kiến thức về quản lý chất lượng sản phẩm, tạo mã QR truy xuất nguồn gốc, tem nhãn bao bì sản phẩm, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử, bán hàng online …
Chị Hoàng Thị Chiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất gạo J02 xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ, Định Hóa |
Chị Hoàng Thị Chiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất gạo J02 xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ, Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: Trước đây chúng tôi cấy lúa ít, do vậy khi bán gạo thường là họ đến lấy trực tiếp, nhưng bây giờ nhờ công nghệ 4.0 gạo của bà con đã được quảng bá nhiều hơn và nhiều người biết đến. Chúng tôi đã tham gia các chương trình Hội chợ nông sản và cũng bán được rất nhiều, thu nhập được cao hơn trước đây. Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức nhiều Hội chợ nông sản cũng đã mời Tổ hợp tác của chúng tôi tham gia và cũng đón nhận được rất nhiều sự ưa chuộng.
Tại huyện Định Hóa từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường cho 8 tổ hợp tác xã với các mô hình. Sự hỗ trợ này đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được nâng cao kiến thức, năng lực, chị em mạnh dạn, tự tin trong phát triển kinh tế, đặc biệt là tiếp cận chuyển đổi số để quảng bá giới thiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Qua đó giúp nâng cao thu nhập và đời sống cho chị em phụ nữ.
Chị Nguyễn Thị The, xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa |
Chị Nguyễn Thị The, xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi được hỗ trợ đi tập huấn để nâng cao kỹ thuật cũng như là nâng cao chất lượng của sản phẩm để đưa ra thị trường có thương hiệu. Sản phẩm của chúng tôi hiện cũng đang được bày bán ở trên các sàn giao dịch điện tử, rất mong sau này sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật nhiều hơn để bà con có kiến thức để làm ra những sản phẩm có chất lượng hơn.
Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, Thái Nguyên |
Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: Thông qua các mô hình đã góp phần nâng cao kỹ năng cũng như phương pháp tổ chức sản xuất đối với các Tổ cộng đồng, đã hướng dẫn các Tổ cộng đồng xây dựng phương án liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn, thông qua đó cũng đã góp phần nâng cao nhận thức, cũng như phương thức tổ chức sản xuất của các Tổ cộng đồng trên địa bàn.
Sau 2 năm triển khai mô hình cơ bản đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và bắt đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động mô hình này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế và hệ thống các văn bản pháp lý, mức hỗ trợ còn thấp, rất cần những giải pháp để tháo gỡ.
Chị Nông Phương Sao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Định Hóa, Thái Nguyên |
Chị Nông Phương Sao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện để phối hợp tập huấn các quy trình kỹ thuật, đối với triển khai thực hiện theo tiêu chuẩn VIETGAP và đồng thời có nội dung hướng dẫn các Tổ hợp tác để đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử và ngoài ra thì Hội LHPN huyện cũng phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp của huyện cũng sẽ trưng bày đối với các sản phẩm của các Tổ hợp tác ở tại Nhà trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của huyện Định Hóa.
Từ khi triển khai Dự án 8, ngoài việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, Hội cũng mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực của phụ nữ trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số, kỹ năng xây dựng gia đình, từ đó tạo nên sự đổi mới mạnh mẽ trong suy nghĩ, cách làm của chị em, mở ra cơ hội mới, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội.