Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng giáp ranh
Lực lượng kiểm lâm ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, nhân dân các địa bàn giáp ranh trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Trước đây, thu nhập của gia đình anh Âu Văn Trọng ở xóm làng Đúc, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chỉ trông chờ vào việc làm thuê bấp bênh, không ổn định. Từ khi được Nhà nước giao khoán rừng, anh Trọng đã gắn bó với rừng hơn và yên tâm phát triển kinh tế. Đặc biệt, gia đình anh đã thường xuyên được chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng và chấp hành pháp luật trên diện tích đất rừng được giao.

Anh Âu Văn Trọng, xã Tân Thịnh, Định Hoá chia sẻ: “Chúng tôi ở đây là vùng giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi được cán bộ kiểm lâm của 2 huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và Chợ Mới (Bắc Kạn) tuyên truyền, hướng dẫn người dân rất kỹ trong việc quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng”.

Xã Tân Thịnh là 1 trong 5 xã của huyện Định Hóa có diện tích rừng giáp ranh với huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Với đặc thù là địa phương có diện tích rừng đặc dụng lớn, xã đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm theo phương châm 4 tại chỗ; kiện toàn tổ đội PCCCR theo đúng quy định và đẩy mạng công tác tuyền truyền đến người dân vùng giáp ranh trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Do làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động người dân, nên những năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng và không có các tụ điểm phức tạp về khai thác lâm sản trái phép.

Ông Ma Thành Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, Định Hoá, cho biết: “Chúng tôi hàng năm kiện toàn 9 tổ bảo vệ rừng, trong đó lấy lực lượng nòng cốt là các đồng chí Trưởng thôn và trong Ban Mặt trận của 9 xóm. Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn trực tiếp tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng phương án về phòng cháy chữa cháy”.

Thời gian qua, diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực giáp ranh phần lớn đã được giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân quản lý và sử dụng, do vậy ý thức bảo vệ của người dân được nâng cao, không xảy ra các vụ việc tranh chấp đất rừng, thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong công tác bảo vệ rừng giáp ranh, lực lượng kiểm lâm ba tỉnh cũng xác định tiếp tục tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, chính quyền, hội, đoàn thể tại địa phương và chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm: “Trước đây, khi chưa có quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh giữa các Sở Nông nghiệp và PTNT của ba tỉnh ký, thì tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng các khu vực này hết sức phức tạp, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Qua những năm thực hiện thì cơ bản vụ việc ở khu vực giáp ranh được ngăn chặn kịp thời, diện tích rừng cơ bản được quản lý, bảo vệ tốt”.

Quản lý bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ rừng giáp ranh là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chỉ có huy động các nguồn lực cùng tham gia, mới có khả năng quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng.