Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP nhờ chuyển đổi số
Từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhiều đơn vị đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Những năm qua, từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhiều loại nông sản đã có thể xây dựng thương hiệu, đứng vững trên thị trường. Vì vậy, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ, xúc tiến thương mại, trao đổi, phấn đấu đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, xây dựng và quản lý OCOP thành thế mạnh của tỉnh. Trong đó, việc áp dụng chương trình chuyển đổi góp phần không nhỏ nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Việc phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian vừa qua được gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, tem điện tử. Thông qua đó, giúp khách hàng, đối tác của đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã nhận biết được sản phẩm OCOP, xây dựng các trang page, website của các doanh nghiệp, hợp tác xã, của Văn phòng Điều phối nông thôn mới, cùng với website của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã giới thiệu được vùng sản xuất, điều kiện tiêu chuẩn, giới thiệu quảng bá được các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã”.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có gần 80 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao. Trong số các sản phẩm OCOP 4 sao có 7 sản phẩm được lập hồ sơ sản phẩm đề nghị xếp hạng 5 sao, 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP. Áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, phát huy năng lực sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong liên kết sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP nhờ chuyển đổi số
Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP nhờ chuyển đổi số
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt cho rằng: “Dịch bệnh COVID-19 vừa qua cũng gây ảnh hưởng, hạn chế về kinh doanh với chúng tôi, thì hợp tác xã từ khi có chương trình OCOP gắn liền với các trang mạng xã hội, rất nhiều thông tin đưa đến người tiêu dùng để họ yên tâm và quảng bá thương hiệu. Mặt hàng chè với hợp tác xã chúng tôi khi có trang thông tin về sản phẩm để giới thiệu chất lượng về sản phẩm, người tiêu dùng kiểm tra mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sẽ tin tưởng. Tôi thấy chuyển đổi số mang đến thông tin cho người tiêu dùng thật sự yên tâm”.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm Hợp tác xã Miến Việt Cường chia sẻ: “Mục tiêu của Miến Việt Cường đặt ra đưa công nghệ số vào để các hộ bán hàng, sản xuất, quảng bá. Miến Việt Cường là đơn vị đầu tiên áp dụng hóa đơn điện tử thấy cực kỳ ưu điểm. Ví dụ, trên đường đi giao hàng cho khách hàng, có giao hóa đơn, nếu có thất lạc thì gửi email, gửi zalo cho khách hàng luôn. Hóa đơn đỏ trước kia thì chỉ có một liên duy nhất”.

Các sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã và đang tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Để việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số quảng bá, đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử sẽ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Đây cũng là hướng mà tỉnh Thái Nguyên xác định nhằm xây dựng nền nông nghiệp công nghệ số hiện đại./.