Nâng cao giá trị cây ăn quả chủ lực nơi vùng cao
Cây na trở thành cây trồng chủ lực của huyện Võ Nhai, được người dân gọi là cây “thoát nghèo” hay cây “nông thôn mới”

Xã La Hiên hiện có gần 320ha Na đặc sản, trong đó 105ha được chứng nhận VietGAP, với sản lượng trên 3 nghìn tấn mỗi năm, chiếm gần 60% diện tích và hơn 65% sản lượng Na toàn huyện. Cây na đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Võ Nhai, được người dân gọi là cây “thoát nghèo” hay cây “nông thôn mới” của vùng đất này. Trung bình mỗi ha Na thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Theo bà Chu Thị Quy, xã La Hiên, huyện Võ Nhai: "Na năm nay được mùa, giá cả được cao nhất so với mọi năm, người dân rất phấn khởi".

Cùng với cây Na, Nhãn là cây ăn quả chủ lực của huyện… Nhờ được vận động, tuyên truyền, bà con nông dân ở xã Phú Thượng đã mạnh dạn đầu tư trồng. Bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Trên địa bàn xã hiện có gần 100ha nhãn. Mở rộng thêm diện tích, xây dựng vùng chuyên canh tập trung, giúp bà con nâng cao thu nhập đang là mong mỏi của người dân nơi đây.

Ông Lê Lâm Quế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai nong muốn: "Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con nông dân trong cải tạo và trồng mới cây nhãn, đưa cây Nhãn và cây Ổi vào chương trình VietGAP".

Nâng cao giá trị cây ăn quả chủ lực nơi vùng cao
Nhãn cũng là cây ăn quả huyện Võ Nhai xác định là cây chủ lực

Huyện Võ Nhai hiện có gần 1,6 nghìn ha cây ăn quả, tăng hơn 600ha so với năm 2015. Trong đó, diện tích cây ăn quả đã cho sản phẩm là trên 1,25 nghìn ha. Thời gian tới, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động các hộ dân tận dụng diện tích đất trồng các loại cây trồng kém hiệu quả sang canh tác các loại cây ăn quả chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ và hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phong Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: "Mô hình theo đúng quy trình VietGAP và sản phẩm OCOP thì quy mô vẫn trong phạm vi hẹp. Sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích này, phải tạo được giá trị thương hiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm".

Với nông dân, sau mỗi mùa quả ngọt là bao khó khăn, vất vả và cả những kỳ vọng gửi gắm vào từng mầm xanh, tấc đất. Vì vậy, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đầu tư hạ tầng, liên kết sản xuất, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm… là những vấn đề mà người trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện cần sự định hướng, hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các cấp, ngành liên quan./.