Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên dự kiến là tuyến cuối tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 khi tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế, bệnh viện này dự kiến sẽ là tuyến cuối tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 khi tình hình dịch diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, toàn bộ các y bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên chỉ có thể đáp ứng yêu cầu điều trị các bệnh nhân mắc bệnh lao và các bệnh liên quan đến phổi, hoặc các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. Toàn bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ được đào tạo chuyên ngành về hồi sức tích cực. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đáp ứng yêu cầu chống dịch được triển khai.

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã cử 2 kíp gồm có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để học tập công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo diễn biến của dịch và theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, chúng tôi có thể phát triển Khu hồi sức tích cực của chúng tôi thành 50 giường cấp cứu”.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thái Nguyên, toàn tỉnh có gần 4.100 cán bộ y tế (cả công lập và ngoài công lập và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), trong đó có 49 bác sĩ được đào tạo về chuyên ngành hồi sức tích cực. Để đáp ứng yêu cầu phòng ,chống dịch, thời gian qua, Sở Y tế đã cử 11 kíp với 33 cán bộ y tế học tập về điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, nếu tính đến những phương án dịch bệnh có thể bùng phát ở cấp độ rộng thì số lượng nhân lực dự phòng đó vẫn chưa đủ.

Bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình chia sẻ: “Chúng tôi là bệnh viện tuyến huyện, về con người, bác sĩ hồi sức thì chúng tôi cũng chỉ có 1-2 bác sĩ được học chuyên khoa sâu, vận hành máy thở thì chúng tôi phải có sự trợ giúp, hỗ trợ trong quá trình tập huấn”.

Để kịp thời khắc phục những khó khăn này, Sở Y tế phối hợp với Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo ngắn hạn về công tác cấp cứu, hồi sức, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho gần 1.000 cán bộ y tế (bao gồm cả trong cơ sở công lập và ngoài công lập), cùng các sinh viên y khoa trên địa bàn tỉnh. Đây là yêu cầu cấp thiết của BCĐ phòng chống dịch COVID- 19 tỉnh chỉ đạo trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp hiện nay.

Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đang được đặt lên hàng đầu: “Chúng tôi đã xây dựng các phương án huy động nhân lực, không những là từ các cơ sở y tế của ngành, mà còn huy động nhân lực sẵn sàng từ các cơ sở y tế ngoài ngành, rồi là sẵn sàng hệ thống y tế từ các cán bộ đã về nghỉ, cũng có các phương án làm việc ở các trung tâm cấp cứu, cũng như là vận hành được các kỹ thuật liên quan đến hồi sức, cũng như là cấp cứu bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch".

Linh động và quyết liệt trong điều hành, cả hệ thống chính trị của tỉnh Thái Nguyên đã và đang chuẩn bị phương án cụ thể để chủ động sằn sàng ứng phó với diễn biến xấu của dịch COVID-19. Cùng với các công tác chuẩn bị khác, việc chuẩn bị nguồn nhân lực đủ khả năng, trình độ, đáp ứng được yêu cầu chống dịch trong tình hình mới, tin tưởng Thái Nguyên sẽ giữ vững là vùng xanh trước dịch bệnh./.