Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động
Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức nhận những sản phẩm khó tại các doanh nghiệp về cho sinh viên được tiếp cận, làm quen dần, giúp các em không bỡ ngỡ sau khi ra trường

Trung tâm đào tạo công nghệ cao - Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức, trực thuộc Bộ Công thương, nơi tập trung xưởng thực hành của một số nghề đào tạo chất lượng cao thuộc cả 3 hệ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp như: cắt gọt kim loại; công nghệ ô tô; nghề điện; tin học ứng dụng,… với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại được quan tâm đầu tư thường xuyên. Nhà trường đang thực hiện thí điểm chương trình chuyển giao của Đức nghề Cắt gọt kim loại cấp độ Quốc tế, với đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, trình độ, được tập huấn, chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia của Đức; thời gian dành cho sinh viên thực hành chiếm trên 70% số tiết học.

Sinh viên Trần Thị Ánh Phượng, K13 Cao đẳng cắt gọt động lực, Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức chia sẻ: "Sinh viên được học lý thuyết, thực hành trên các loại máy công nghệ cao. Em tự tin mình có thể đứng máy một cách thuần thục".

Giảng viên Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng khoa Cơ khí cắt gọt kết cấu, Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức: "Chúng tôi rất quan tâm đến phần thực hành, những bài tập khó, những công nghệ tiên tiến, hiện đại... chúng tôi nhận những sản phẩm khó tại các doanh nghiệp về cho các em được tiếp cận, làm quen dần, giúp các em không bỡ ngỡ sau khi ra trường".

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao cho xã hội, những năm gần đây, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật trực thuộc Đại học Thái Nguyên chủ yếu tuyển sinh hệ cao đẳng, với ngành nghề đào tạo đa dạng, nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhà trường đặc biệt quan tâm mở một số nghề mới, phù hợp với xu thế hiện nay như: Điện, Cơ khí, Công nghệ Ô tô, Công nghệ Thông tin,…

Sinh viên Tạ Văn Chiến, Lớp K16, Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật chia sẻ: "Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành điện - điện tử là dồi dào nên em đã lựa chọn ngành học này".

Giảng viên Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật cho biết: "Nhà trường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho Khoa công nghệ thông tin, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên, chuẩn hóa kỹ năng nghề cho nhà giáo".

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động

Thái Nguyên hiện là một trong những tỉnh đứng đầu vùng trung du miền núi phía Bắc về sản xuất công nghiệp, có nhu cầu lớn về nhân lực có tay nghề kỹ thuật cao. Nắm bắt thực tế này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, gắn với nhu cầu thực tiễn; tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên thực hành, thực tập… trung bình hàng năm, tại các cơ sở có từ 80% đến 90% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề. Tuy nhiên trong quá trình đào tạo các nhà trường cũng gặp không ít khó khăn.

Nhà giáo ưu tú, TS Ngô Xuân Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao dẳng Kinh tế - Kỹ thuật cho biết: "Nguồn kinh phí của nhà nước đầu tư hạn chế nên việc nâng cấp cơ sở vật chất cho đào tạo gặp nhiều khó khăn. Thứ hai về nhận thức của người học đang lựa chọn đại học hoặc đi làm để có tiền ngay đang còn phổ biến".

Ông Trần Minh Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức: "Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì chắc chắn người học phải tham gia trong môi trường nhà trường có chương trình đào tạo chất lượng cao. Chúng tôi rất mong muốn xã hội, người học quan tâm và các em học sinh tham gia chương trình đào tạo cao đẳng thì mới tạo được chương trình chất lượng cao, bởi vì thời gian đào tạo cao đẳng dài hơn, các em mới đáp ứng được nhu cầu".

Theo nghị quyết về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022-2025 vừa được HĐND tỉnh thông qua, xác định mục tiêu: đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ cấp quốc gia và các nước ASEAN-4; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững./.