Nà Ca và câu chuyện “Song giảm”
Cộng tác viên dân số phổ biến chính sách dân số tới bà con ở bản Nà Ca.

Cụ Lương Thị Quế năm nay 84 tuổi – thuộc lớp thế hệ cao tuổi của Nà Ca. Cụ có 12 người con – thế nhưng cụ chia sẻ rằng ở Nà Ca những năm đó, ai cũng đẻ nhiều, càng đẻ nhiều lại càng nghèo, càng khổ. Cụ Lương Thị Quế chia sẻ: "Tôi có 4 con gái và 8 con trai. Bây giờ, người dân chỉ sinh từ 1 đến 2 con".

Anh Nông Văn Huy là con trai út của cụ Quế, sinh ra trong gia đình đông anh em, bởi vậy, cuộc sống trên bản nghèo đã khó khăn lại càng khó khăn gấp bội. Hơn ai hết, anh Huy thấy rõ được lợi ích của chính sách dân số. Anh Nông Văn Huy cho hay: "Chúng tôi được cộng tác viên phổ biến để hiểu và sinh ít con, bởi nuôi con ăn học khá tốn kém".

Nà Ca và câu chuyện “Song giảm”
Sau hàng chục năm nghèo khó, chính sách dân số cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đã đưa Nà Ca dần vơi bớt khó khăn trong nỗ lực "Song giảm" – giảm sinh đi liền với giảm nghèo.

Sinh ra và lớn lên ở bản nghèo, chị Nông Thị Thanh Hải là một trong số rất ít cộng tác viên dân số theo đuổi được lâu như vậy. 22 năm làm cộng tác viên, chẳng thể kể hết khó khăn khi đưa chính sách đến với đồng bào ở một vùng khó như Nà Ca, nhưng với Chị Hải ngoài gian khổ đó còn là niềm vui, hạnh phúc. Chị Nông Thị Thanh Hải cho biết: "Theo chính sách dân số, người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng khấm khá".

Nà Ca có hơn 470 nhân khẩu, trên những sườn núi đá, bao đời nay đồng bào Tày, Dao ở Nà Ca cùng nhau lên nương, trồng ngô, trồng lúa, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trước đây, phụ nữ nào ở Nà Ca cũng sinh đẻ nhiều để lấy người làm nương. Sau hàng chục năm nghèo khó, chính sách dân số cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đã đưa Nà Ca dần vơi bớt khó khăn trong nỗ lực "Song giảm" – giảm sinh đi liền với giảm nghèo./.