Năm 2020, được sự hỗ trợ của địa phương, HTX Mỳ gạo Tiền Phong được thành lập. Khi đi vào hoạt động, HTX đã đầu tư nhà xưởng với hệ thống máy móc chuyên nghiệp như: Máy xay công suất lớn, máy tráng mỳ, máy cắt sợi mỳ, máy đóng gói nâng công suất từ khoảng 1 tấn/tháng lên 3 tấn sản phẩm/tháng. Với kỹ thuật gia truyền, HTX đã cho ra thị trường các sản phẩm mỳ khô Tiền Phong đảm bảo an toàn thực phẩm và đặc biệt là bảo đảm chất lượng vốn có của đặc sản mỳ gạo gia truyền, đồng thời được đóng gói với bao bì đẹp, đầy đủ mã QR truy xuất nguồn gốc, thuận tiện cho người tiêu dùng. Năm 2021, sản phẩm Mỳ gạo Tiền Phong của HTX được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Võ Nhai.

Mỳ gạo, bún khô - Đặc sản của huyện vùng cao Võ Nhai
Sản phẩm mỳ khô Tiền Phong được đóng gói với bao bì đẹp, đầy đủ mã QR truy xuất nguồn gốc.

Chị Thạch Thị Hương, HTX Mỳ gạo Tiền Phong, Thị trấn Đình Cả, Võ Nhai, Thái Nguyên chia sẻ: "lý do mà tôi phát triển sản xuất mì gạo tiền phong vì đây là nghề truyền thống của gia đình, tôi muốn gây dựng lại làng nghề truyền thống ở địa nên đã mở rộng mô hình sản xuất mì gạo thành HTX".

Tràng Xá là một xã miền núi phía Nam của huyện Võ Nhai. Với những lợi thế của điều kiện tự nhiên; cây ăn quả, cây chè và kinh tế rừng đã và đang là những loại cây trồng chủ lực của xã Tràng Xá. Thời gian gần đây, người tiêu dùng còn biết đến địa phương này với các sản phẩm được làm từ gạo của Hợp tác xã mì, bún khô Tiến Diện; trong đó, sản phẩm bún khô đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện nay, Hợp tác xã đã cho ra thị trường các sản phẩm bún khô, phở khô đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sản xuất từ 3 - 5 tấn bún khô, phở khô xuất bán ra thị trường, đạt doanh thu từ 200 - 250 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập khoảng 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Mỳ gạo, bún khô - Đặc sản của huyện vùng cao Võ Nhai

Ông Hoàng Tiến Diện - Giám đốc HTX bún khô Tiến Diện, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết: "Bún khô Tiến Diện bắt nguồn từ bún thủ công, tôi muốn phát triển bún khô hơn nữa nên đã đi học hỏi, tìm tòi máy móc để đa dạng hóa sản phẩm".

Cùng với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương; các sản phẩm như mỳ gạo Tiền Phong, bún khô, phở khô Tiến Diện đang dần trở thành một sản vật của huyện vùng cao Võ Nhai. Để sản phẩm được phát triển hơn nữa trên thị trường, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các Hợp tác xã, cần tiếp tục có những hỗ trợ từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Đây là tiền đề để các sản phẩm của huyện vùng cao tiếp tục được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ./.