Mưu sinh thâu đêm
Những tiểu thương đêm tại chợ đầu mối TP Thái Nguyên thường chỉ được nghỉ từ 3-4h đồng hồ/ngày.

Gần 10 năm nay, chị Lê Thị Nguyện ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ đã quen với công việc thường có mặt tại chợ đầu mối cung cấp rau khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên lúc 1h sáng để thực hiện công việc mưu sinh. Chị đang mang thai ở tháng thứ 8, nhưng vì cuộc sống mưu sinh vất vả nên chưa từng được nghỉ ngơi.

Chị Lê Thị Nguyện, xóm Na Quán, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ kể lại: “Có hôm 1h sáng về đến nhà. Có hôm thì 2h, muộn nhất thì đến 5h sáng mới về đến nhà. Cũng mệt người, nhưng không có tiền nên vẫn phải làm công việc này thôi”.

Mỗi người có một lý do để gắn bó với công việc của mình. Và những người làm thâu đêm cũng vậy. Khi đêm xuống, trong khi mọi người đang được nghỉ ngơi sau một ngày vất vả thì công việc của họ mới bắt đầu. Với họ, 3-4h được ngủ một ngày là rất quý giá.

Anh Phạm Văn Bằng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn tâm sự: “Bây giờ không có tiền thì phải chọn nghề này thôi. Bây giờ đi làm bốc xếp hàng thì tôi không đủ sức khỏe”.

Thức xuyên đêm với người dân buôn bán tại khu vực chợ đầu mối thành phố Thái Nguyên mới chứng kiến hết nỗi nhọc nhằn mà họ đang trải qua. Các loại rau củ quả bán vào thời điểm ban ngày và bán lẻ sẽ có giá chênh lệch từ 10-15 nghìn đồng/kg so với giá bỏ mối ban đêm. Nhưng bù lại bán lúc đêm lại có thể bán được số lượng lớn.

Bà Dương Thị Tám, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ kể: “Nhà tôi toàn tranh thủ đi làm đêm thôi. Ngày thì phải bế cháu. Qua lên xếp hết mùng tơi được 1.500 đồng. Mướp thì được 11.000 nghìn đồng. Tôi về đến nhà cũng phải 2h đêm. Với công việc này chắc tôi phải tiếp tục đến hết đời. Nhà tôi làm ruộng mà”.

Thời điểm chúng tôi đang có mặt tại chợ đầu mối này đã là 1h sáng. Thế nhưng, sự tấp nập của khu chợ đêm này dường như mới bắt đầu. Và thật sự, sự vất vả mưu sinh của người dân ở khu chợ đêm này bắt đầu có hy vọng hơn vì các xe gom hàng đang di chuyển đến gần khu chợ rồi để có thể kịp chuyển hàng đi trước 5h sáng./.