Mô hình 9+: Giải pháp cho phát triển giáo dục nghề nghiệp
Mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS tại Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên

Thị trường lao động và doanh nghiệp hiện nay quan tâm nhiều hơn tới tay nghề, trình độ thực tế của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây. Học trung cấp là một trong những con đường ngắn, phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.

9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS. Rút ngắn thời gian đào tạo. Đó cũng chính là lý do mà sau khi tốt nghiệp THCS, thay vì lựa chọn học tiếp tại một trường trung học phổ thông, em Phạm Ngọc Linh lại quyết định học nghề sửa chữa điện.

Em Phạm Ngọc Linh, Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên chia sẻ: “Em chọn nghề này vì thấy nhu cầu của xã hội lớn. Sau khi ra trường em sẽ có việc làm và có thu nhập luôn”.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 47 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô tuyển sinh mỗi năm khoảng 42 nghìn học sinh các hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, trong đó, số lượng đăng ký học nghề theo mô hình 9+ là khoảng 11 nghìn học sinh. Với mô hình 9+, học sinh được hỗ trợ 100% học phí đào tạo nghề, đồng thời được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Mô hình 9+: Giải pháp cho phát triển giáo dục nghề nghiệp
Lớp học nghề pha chế đồ uống tại Trường Cao Đẳng Thương mại và Du lịch, Thái Nguyên

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Thương mại và Du lịch, Thái Nguyên cho biết về giải pháp: “Chúng tôi tăng cường liên kết, kết nối với các doanh nghiệp. Thông qua các việc tổ chức ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm. Từ đó, rất nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với học viên ngay sau khi ra trường”.

Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Để thực hiện mục tiêu đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề.

Giáo viên Nguyễn Thị Yến, Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên cho biết: “Với đối tượng học sinh này, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo rất sát thực tế và có thiết bị thực hành đầy đủ để phụ trợ, giúp cho các em được học trực quan nhất”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Nguyên cho biết về giải pháp:“Chúng tôi sẽ tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao định hướng, định mức về phân luồng cho học sinh trong giáo dục nghề nghiệp, gắn với kế hoạch phát triển các lĩnh vực của các địa phương, đơn vị”,

Để việc phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, cần tăng cường thông tin định hướng xã hội; Đa dạng hóa hình thức, nội dung giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà trường với doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa tỷ lệ học sinh có việc làm sau đào tạo.