Mỏ Bạch - Dấu ấn lịch sử

Ngược dòng thời gian, trong các tài liệu lịch sử như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Đồng Khánh địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí hay Từ điển Thái Nguyên, thì địa danh Mỏ Bạch được cho là xuất hiện vào khoảng thời gian nhà Nguyễn tiến hành khai thác kẽm ở khu vực phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên nhận định: “Đến thế kỷ XIX, thời Nguyễn, tên Mỏ Bạch đã được nhân dân gọi rất phổ biến. Mỏ Bạch nghĩa là mỏ kẽm trắng. Nơi đây có mỏ kẽm mà người dân khai thác để đúc tiền và để sử dụng trong công việc sản xuất hàng ngày”.

Trải qua thời gian, địa danh Mỏ Bạch đã gắn với nhiều sự kiện lịch sử địa phương.

Ông Quản Văn Từ, Nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên cho biết: “Cầu ngày xưa thì nhỏ lắm. Cầu lao 2 cái dầm qua và lát gỗ ngang, gỗ dọc cho xe đi. Còn về tại sao lại là Mỏ Bạch thì có lý do rất đơn giản là người ta khai thác cái mỏ ở đây, cho nên được mang tên là Mỏ Bạch. Đồng thời, có một thời kỳ nữa, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, cả TP Thái Nguyên không còn nhà cửa nhiều, cầu này là tự mình phá. Chính đây có cái đường goòng của thực dân Pháp khai thác than ở núi Hồng về”.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cũng thông tin: “Đồi Yên Ngựa là cái đồi rất là cao, có lịch sử lâu đời, từ thời nhà Lê chống quân Minh thế kỷ XV, khi quân Minh tiến xuống đây theo đường từ Lạng Sơn, qua Thái Nguyên về Thăng Long, thì đã bị chặn đánh dữ dội ở đây và chúng không thể vượt qua được, phải rút lui. Khu vực đồi Yên Ngựa cùng với Mỏ Bạch là địa danh cổ lâu đời. Đến thời kỳ chống Mỹ, quân đội ta đã đặt một đài quan sát trên đồi Yên Ngựa để bao quát và phòng thủ, chống lại máy bay Mỹ”.

Mỏ Bạch - Dấu ấn lịch sử
Đường vào khu dân cư đồi Yên Ngựa.

Cùng với đồi Yên Ngựa, nhiều địa điểm khác cũng đã để lại dấu ấn trong lòng người dân và du khách khi nhắc đến địa danh Mỏ Bạch.

Năm 2000, người dân địa phương đã cùng nhau đóng góp xây dựng, tôn tạo lại đền Mỏ Bạch và nơi đây cũng là một địa danh, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của rất nhiều người dân địa phương.

Đền Mỏ Bạch thờ vị danh tướng Dương Tự Minh. Hàng năm, người dân trong và ngoài tỉnh đến lễ bái, tri ân người anh hùng dân tộc và cầu nguyện về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bà Dương Thị Sâm, Thủ nhang Đền Mỏ Bạch cho biết: “Đền Mỏ Bạch có cách đây từ trăm năm lịch sử. Đền thờ Chầu Bẩy Kim Giao, bà là người dạy dân trồng lúa nước. Đền còn thờ vọng danh tướng Dương Tự Minh, người có công dẹp giặc ở biên giới phía Bắc thế kỷ thứ XII”.

Địa danh Mỏ Bạch đã đi sâu vào tiềm thức người dân Thái Nguyên và nhiều địa điểm nơi đây đã trở một phần lịch sử, văn hóa, truyền thống và đời sống tâm linh người dân địa phương.