Mì, bún khô: Sản vật mới của huyện vùng cao Võ Nhai
Bún bí đỏ, bún gấc... được HTX Mì, bún khô Tiến Diện đăng ký dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Bún bí đỏ, bún gấc... những sản phẩm được làm từ gạo còn khá mới mẻ với người tiêu dùng nhưng đã được Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện mạnh dạn đăng ký dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong năm nay. Sử dụng nguyên liệu tại địa phương với mong muốn gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp địa phương; đồng thời, khuyến khích nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất trên địa bàn là điều mà Hợp tác xã quan tâm.

Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện chia sẻ: "Chúng tôi đã thu mua gạo, thóc từ bà con của 2 xã Dân Tiến và Bình Long, đã sản xuất theo quy trình VietGap. Bí đỏ và gấc chúng tôi cũng trồng đảm bảo an toàn".

Mì, bún khô: Sản vật mới của huyện vùng cao Võ Nhai
Các công đoạn làm bún khô không quá cầu kỳ nhưng mỗi người làm nghề lại có bí quyết riêng. Trong đó, kỹ thuật tay nghề của nghệ nhân vẫn là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm.

Các công đoạn làm bún khô không quá cầu kỳ nhưng mỗi người làm nghề lại có bí quyết riêng. Trong đó, kỹ thuật tay nghề của nghệ nhân vẫn là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm.

Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện cho hay: "Sản phẩm được ngon, mềm dẻo hay không, nguyên liệu gạo phải ngon, phải đánh bột, tỷ lệ nước cũng cần đảm bảo".

Từ sản phẩm bún khô truyền thống của gia đình, anh Hoàng Tiến Diện và Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện đã đầu tư mua máy móc, thiết bị để sản xuất với quy mô lớn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm với tham vọng đưa những mặt hàng này đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Anh cũng luôn trăn trở tìm hướng đi để nâng tầm cho sản phẩm bún khô. Đầu năm 2021, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, anh Diện vận động một số người dân địa phương thành lập Giám đốc Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện với 7 thành viên. Ngay khi vừa đi vào hoạt động, Hợp tác xã đã huy động vốn từ các thành viên và đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng khoảng 800m² với hệ thống máy móc hiện đại.

Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện cho biết: "Chúng tôi đã tạo điều kiện cho những hộ dân nghèo, cận nghèo đến làm, nỗ lực thoát nghèo. Chúng tôi muốn đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất; mang bún gấc và bún bí đỏ đi thi OCOP để nâng tầm giá trị của sản phẩm".

Hiện nay, Hợp tác xã đã cho ra thị trường các sản phẩm bún khô, phở khô đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sản xuất từ 3-5 tấn bún khô, phở khô xuất bán ra thị trường, đạt doanh thu từ 200-250 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập khoảng 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Bước đầu, bên cạnh thị trường truyền thống trong huyện, Hợp tác xã đã liên hệ và ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số siêu thị ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm của Hợp tác xã đã được bán trên các sàn thương mại điện tử phổ biến trong nước, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao. Năm 2021, Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện đã có sản phẩm bún khô Tiến Diện đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là tiền đề để các sản phẩm của Hợp tác xã có cơ hội được tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Anh Bế Văn Giáp, Hợp tác xã Mì, bún khô Tiến Diện cho hay: "HTX cũng tạo điều kiện, công ăn việc làm ổn định, là động lực để chúng tôi sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng hơn".

Cùng với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương; sản phẩm bún khô, phở khô Tiến Diện đang dần trở thành một sản vật của huyện vùng cao Võ Nhai. Để sản phẩm được phát triển hơn nữa trên thị trường, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của mỗi xã viên, cần tiếp tục có những hỗ trợ từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn./.