e magazine
[Megastory] Thái Nguyên - Sắc màu Tết xưa và nay

10/02/2021 15:44

Dù là thời xưa hay thời nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt. Không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc.
[Megastory] Thái Nguyên - Sắc màu Tết xưa và nay

Dù là thời xưa hay thời nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt. Không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc.

Những ngày cuối năm 2020, hòa chung với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bước sang năm 2021 với tâm thế vui mừng, phấn khởi, ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, chào đón Xuân Tân Sửu với những khí thế mới, vận hội mới và thành công mới. Nhân dân luôn đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước sẽ hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng trong tương lai.

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay

Năm hết, Tết đến, cũng là thời khắc mọi người cùng nhìn lại những chặng đường đã qua, hoài niệm về những ngày Tết xưa mộc mạc và dung dị. Và Tết vẫn mang ý nghĩa xuyên suốt qua thời gian đó là ngày sum họp, đoàn viên của các thành viên trong gia đình, họ hàng. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: "Sau ngày 23 tháng Chạp, khi con cháu đi tảo mộ thắp hương mời ông bà về ăn Tết, lúc này Tết như một cầu nối âm dương, để cả con cháu và gia tiên cùng sum họp".

Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp, đây cũng chính là khoảng thời gian nông nhàn, thư thái nhất trong năm. Cũng chính bởi vậy mà xưa kia dân gian có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Sau Tết, từ nông thôn ra thành thị sẽ có hàng loạt các lễ hội lớn nhỏ khác nhau.

TẾT XƯA: ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Người xưa mong Tết không chỉ là dịp để được nghỉ ngơi mà quan trọng là sau 1 năm vất vả, bận rộn, ăn uống đơn giản, thì chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị ẩm thực cho ngày Tết rất được người xưa rất chú trọng. Ẩm thực Tết xưa được thể hiện rất rõ qua câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay

Để chuẩn bị thực phẩm cho ngày Tết, người dân thường tự chăn nuôi lợn. Trước đây, giống lợn quê chăn bằng cám nấu cây chuối, dọc khoai hay bèo tấm, nên sức lớn mỗi tháng chỉ 4-6 kg; do vậy, để đạt trọng lượng 50-60kg thịt cho ngày Tết, lợn phải được nuôi từ đầu năm. Cùng với đó, việc gói bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, mọi người đã lo mua gạo nếp, đỗ xanh... Thậm chí lá dong, lạt buộc cũng phải chuẩn bị trước, không đợi cận Tết mới sắm. Đến rằm tháng Chạp, mọi nhà bắt đầu làm dưa hành. Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết và được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết xưa.

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay
Nhớ Tết xưa là nhớ đến mùi hăng hăng đến cay xè nơi khóe mắt của khói củi luộc bánh chưng.

Không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp hơn từ ngày 23 tháng Chạp khi nhà nhà cúng ông Công, ông Táo lên chầu Trời. Ngày 24 tết trở đi, không khí đã trở nên rộn rã, trẻ con mua pháo ở chợ về đốt chơi ở sân đình. Người lớn thường đi tạ mộ tổ tiên; lau dọn bàn thờ; vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm... Từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp, người dân bắt đầu thịt lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, nấu chè lam, kẹo lạc, làm bỏng...

Chiều 30 Tết, mọi nhà đều có nồi bánh chưng luộc để dâng lên tổ tiên vào phút giao thừa. Những gia đình có trẻ nhỏ, có khi còn gói riêng những chiếc bánh nhỏ, từ chút gạo, thịt thừa cho con trẻ khỏi háo hức. Nhớ Tết xưa là nhớ đến mùi hăng hăng đến cay xè nơi khóe mắt của khói củi luộc bánh chưng. Lửa trong bếp lúc nào cũng đỏ rực, cháy bập bùng. Dăm viên gạch cũ xếp chồng lên nhau theo kiểu kiềng 3 chân là thành bếp luộc bánh chưng Tết. Xưa kia nồi bánh chưng như trung tâm của các hoạt động ngày Tết.

Thái Nguyên - Sắc màu Tết xưa và nay

Cùng với đó, nhiều món ăn cũng được người dân chuẩn bị cho ngày Tết như: giò thủ, giò lụa, giò mỡ, chả rán, chả nướng, canh măng, nem thính gói lá ổi... những món ăn này góp phần làm cho hương vị Tết thêm đậm đà.

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng cắm một cây nêu ở giữa sân. Cây nêu được làm bằng cây tre nhỏ hay cây nứa còn bánh tẻ để nguyên ngọn, buộc lá cờ đuôi nheo xanh đỏ hoặc túm lá dứa dại làm tín hiệu chào đón tổ tiên về ăn Tết và để ngăn trừ ma quỷ. Khâu chuẩn bị cuối cùng là tiền lẻ để mừng tuổi cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh sắm sửa Tết cho nhà mình, người xưa còn chuẩn bị đồ lễ, biếu. Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng lo liệu biếu Tết ông bà, cha mẹ; học trò dù có trở thành ông nghè, ông cống, bia đá có đề tên thì cũng nhớ về thăm thầy cũ.

Người Việt nói chung, Tết đến thường chọn giờ lành để xuất hành. Đi thăm chùa, lễ Phật, cầu mong điều lành sẽ tới cho gia đình, người thân. Đó là một nét đẹp trong tâm thức luôn hướng thiện.

Có thể thấy, công việc chuẩn bị cho Tết nhiều công đoạn và vất vả là vậy, nhưng mọi người ai nấy đều rất vui mừng, háo hức.

Thái Nguyên - Sắc màu Tết xưa và nay
Dù là Tết xưa hay nay thì các lễ hội văn hóa, đi lễ chùa đầu xuân cũng được nhân dân duy trì, gìn giữ.

TẾT NAY: HIỆN ĐẠI VÀ ĐỔI MỚI

Trải qua những năm tháng kháng chiến trường kỳ và gian khổ, đất nước ta bước sang thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Với cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn được chú trọng như trước. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn những món truyền thống như: bánh chưng, thịt lợn, thịt gà... thì nay, bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt lợn, thịt gà là những thức ăn hàng ngày. Do đó, đây không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết. Nên dần đã vắng đi mùi bếp bánh chưng luộc vì phố phường chật chội, cuộc sống cũng bận rộn hơn trước.

Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng như: hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, nhiều người do bận rộn công việc đã sắm Tết qua thương mại điện tử, chỉ cần nhắn tin, gọi điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều được chuyển đến tận nhà; nên người dân không còn cảm giác háo hức ăn Tết như xưa kia.

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay

Chợ hoa Tết xưa và nay (Ảnh: Nguồn Internet)

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay

Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại. Nếu như trước đây, Tết là cơ hội để cho mọi người được ăn ngon mặc đẹp, thì nay, nhiều người dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm bạn bè hay đi du xuân, du lịch...

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay

Tuy vậy, dù ở thời điềm nào thì người Việt nói chung và người Thái Nguyên nói riêng vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng truyền thống như: tảo mộ, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cúng Ông Công, Ông Táo, cúng giao thừa, xin lộc, mừng tuổi...

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay

Đối với người dân Thái Nguyên, còn có văn hóa thưởng trà ngày Tết; khách đến nhà sẽ được chủ nhà pha trà dùng với bánh kẹo, mứt Tết, hoa quả. Văn hóa thưởng trà được duy trì để mở đầu một câu chuyện vui vẻ đầu năm mới, cũng là nét văn hóa gắn bó với người dân có truyền thống trồng và chế biến chè Thái Nguyên và tiếp tục được gìn giữ qua nhiều đời nay.

Mặc dù, có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau một năm mới “An khang thịnh vượng”, “Vạn sự như ý”, “Phát lộc phát tài”… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Trước và sau Tết Nguyên đán, người Việt có nhiều phong tục khác nhau, tùy từng địa phương. Nhưng có thể điểm lại những phong tục chính đó là:

- Lễ cúng ông Công ông Táo

- Thăm mộ tổ tiên

- Dọn dẹp, trang trí nhà cửa

- Lễ Tất niên

- Lễ giao thừa

- Tục xông nhà

- Phong tục chúc tết, mừng tuổi

Không khí mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi. Trên các nẻo đường, người người rộn ràng mua sắm, sửa sang nhà cửa và chuẩn bị đồ dùng cho ba ngày tết, tại các chợ đang hối hả đón từng dòng người đổ về. Tết đang đến rất gần trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người, mọi nhà. Giá trị văn hóa của ngày Tết vẫn sẽ được lưu giữ nếu như mỗi người luôn hướng về tổ tiên với những tình cảm đẹp đẽ, vẫn có những thời gian sum họp bên gia đình. Đặc biệt khi những phong tục truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết còn được lưu giữ thì những giá trị văn hóa truyền thống sẽ chưa bị mai một./.

Thái Nguyên – Sắc màu Tết xưa và nay