[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu

Thái Nguyên là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là cửa ngõ của vùng Việt Bắc, xưa nay Thái Nguyên luôn giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhân dân Thái Nguyên luôn luôn cần cù, sáng tạo trong lao động xây dựng cuộc sống; đoàn kết anh dũng trong quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước.

[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu

Từ xa xưa, Thái Nguyên là nơi sinh sống của người Việt cổ với những dấu tích tìm thấy ở Di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm thuộc Thần Sa - Võ Nhai có niên đại khoảng 3-4 vạn năm. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã cùng với nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách, viết nên những trang sử vàng trong lịch sử dân tộc. Trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, nhân dân Thái Nguyên đã nhiều lần nổi dậy chống ách đô hộ, cai trị hà khắc và chính sách đồng hóa tàn bạo của quân xâm lược để giành độc lập, tự do.

Trước Công nguyên, nhân dân Thái Nguyên tham gia vào cuộc kháng chiến đầu tiên của dân tộc chống giặc nhà Tần xâm lược. Mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thái Nguyên tập hợp dưới cờ đại nghĩa của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị nổi dậy khởi nghĩa đánh đổ bộ máy cai trị của nhà Hán ở Giao Chỉ. Giữa thế kỉ thứ VI, người anh hùng dân tộc Lý Bí đã dấy binh khởi nghĩa, thành lập nước Vạn Xuân. Sau thắng lợi, Lý Bí xưng đế và là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta. Để ghi nhớ công lao của ông, nhân dân địa phương đã lập đền thờ tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong. Năm 2014, Di tích Lịch sử Đền Mục, nơi thờ Lý Bí đã được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia.

Thời Tiền Lê, năm 981 và thời nhà Lý, năm 1076, nhân dân Thái Nguyên trực tiếp góp sức cùng nhân dân cả nước hai lần đánh thắng quân xâm lược Tống. Khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên trở thành phên dậu trực tiếp che chở cho phía Bắc Kinh thành. Người con tiêu biểu của Thái Nguyên thời nhà Lý (thế kỷ XII) là Dương Tự Minh - Thủ lĩnh phủ Phú Lương, quê xã Quan Triều (nay thuộc phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên). Ông đã trực tiếp cầm quân dẹp giặc, bảo vệ vững chắc cả vùng biên viễn phía Bắc quốc gia phong kiến Đại Việt. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, gắn bó các dân tộc vùng rừng núi phía Bắc Tổ quốc. Với công lao to lớn, ông được vua Lý sắc phong là “Thượng đẳng thần” và được nhân dân lập đền thờ tại Núi Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) để tưởng nhớ.

Thế kỷ XIII, nhân dân Thái Nguyên góp phần cùng triều Trần ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Sang thế kỷ XV, khi nhà Minh xâm lược nước ta, nhân dân Thái Nguyên đã tập hợp dưới cờ của Trần Nguyên Khoáng, Nguyễn Đa Bí, Chu Sư Nhan,… đứng lên chống giặc. Lưu Nhân Chú, người con của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã cùng với cha là Lưu Trung và em rể là Phạm Cuống tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, chỉ huy nhiều trận đánh. Ông là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, là chủ tướng trận phục kích ở ải Chi Lăng, chém tướng giặc Liễu Thăng, được vua Lê Thái Tổ phong chức Tể tướng, đứng đầu hàng võ, kiêm coi chính sự nhà nước, được nhân dân lập đền thờ tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ.

[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu

Tháng 9/1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên liên tục hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa do Phùng Bá Chỉ, Mã Sinh Long, Hoàng Hoa Thám, Cai Bát lãnh đạo đứng lên đánh Pháp. Đặc biệt, Thái Nguyên là nơi nổ ra cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất nổ ra ở Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Khởi nghĩa Thái Nguyên đã làm chấn động dư luận ở Pháp và thế giới. Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên tuy thất bại, nhưng còn vang vọng mãi, cổ vũ nhân dân Thái Nguyên tiếp tục con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dân Thái Nguyên giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng từ rất sớm; tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập cuối năm 1936, tại xã La Bằng, huyện Đại Từ. Trong những năm từ 1939 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động, phát triển lực lượng cách mạng ở Thái Nguyên. Ngày 15/9/1941, Đội Cứu quốc quân II - một trong những đội tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xã, huyện Võ Nhai.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, được sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, các địa phương trong tỉnh lần lượt nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đến tháng 7/1945, phần lớn các huyện trong tỉnh đã giành được chính quyền. Sáng ngày 20/8, Quân Giải phóng tấn công quân Nhật tại tỉnh lị Thái Nguyên. Buổi chiều cùng ngày, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố xóa bỏ chính quyền của phát xít Nhật và tay sai, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch. Sự kiện này đánh dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Thái Nguyên.

[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (giai đoạn 1947-1954), cùng với Bắc Kạn và Tuyên Quang, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng, xây dựng An toàn khu (ATK). Trong đó ATK Định Hóa, Thái Nguyên có vai trò rất quan trọng của Thủ đô kháng chiến. Nơi đây, Bác Hồ, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và nhiều cơ quan trọng yếu của Trung ương đã ở, làm việc. Đây cũng là nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng tại đây, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng cuộc tiến công Thu Đông năm 1947; quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950; bàn kế hoạch tác chiến Mùa Xuân năm 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Những địa danh thân thuộc như: Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Mòn, Khau Tý,... mãi mãi đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã làm tròn sứ mệnh lịch sử bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Trung ương đóng trên địa bàn để lãnh đạo nhân dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thái Nguyên trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, trong bộn bề công việc trên cương vị cao nhất, nhưng Bác Hồ vẫn dành cho nhân dân các dân tộc Thái Nguyên những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Từ tháng 12/1954 đến ngày 01/01/1964, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Hòa bình lập lại, cùng với các tỉnh, thành khác trên miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bước vào thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, góp phần xây dựng và củng cố miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh Thái Nguyên đã cùng với nhân dân cả nước chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Thái Nguyên đã trực tiếp chiến đấu trên 400 trận, bắn rơi 61 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ; đặc biệt, đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.000 của đế quốc Mỹ trên miền Bắc. Trong bom đạn ác liệt, các mặt sản xuất, đời sống, văn hoá, xã hội ở Thái Nguyên tiếp tục được giữ vững và phát triển. Mỗi năm nhân dân Thái Nguyên đóng góp cho Nhà nước trên 20.000 tấn lương thực, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tiền tuyến. Qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của đất nước đã có hàng chục vạn con em các dân tộc tỉnh Thái Nguyên lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có trên 10.000 người anh dũng hy sinh, hàng vạn người đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường; hàng nghìn đồng chí đã trở thành dũng sỹ, chiến sỹ thi đua, chiến sỹ quyết thắng trong các mặt trận chiến đấu và lao động sản xuất,…

Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba…; 81 tập thể, 21 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; 575 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Năm 1997, từ tỉnh nghèo, chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5%; thu nhập bình quân đầu người 2,5 triệu đồng; thu ngân sách 204,7 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp 2.127 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 22,5 triệu USD. Đến nay, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ. Cơ cấu kinh chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã có bước phát triển vượt bậc; diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều đổi thay.

[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và xã hội. Tỉnh chủ trương phát triển mạnh công nghiệp, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh và xây dựng hạ tầng vào các khu công nghiệp. Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong nước và khuyến khích ưu đãi đầu tư ngoài nước vào tỉnh Thái Nguyên như: Khu công nghiệp Samsung, Núi Pháo; Tập đoàn Central Retail… Các doanh nghiệp trong nước như: Danko Group; Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn; Tập đoàn Masan … Thực hiện tốt đề án cải thiện môi trường đầu tư, với tiềm năng và cơ hội đầu tư còn rất lớn, điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi, tỉnh Thái Nguyên sẽ có nhiều cơ hội được hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Tổng kết giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên đạt bình quân 10,47%/năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,77%/năm, đóng góp quan trọng nhất cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh; văn hóa – xã hội và an sinh xã hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nâng cao; nhiều chương trình đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy công trình văn hóa như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử - văn hóa 915 Gia Sàng,… Quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và tăng cường.

Những kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên hôm nay là quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây cũng chính là sự tri ân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng Thái Nguyên “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa khi Người về thăm tỉnh Thái Nguyên./.

[Megastory] Thái Nguyên 190 năm xứng danh vùng đất phên dậu