e magazine
[Megastory] Nghĩa tình Roòng Khoa

21/04/2022 09:07

72 năm sau ngày thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, trở về Roòng Khoa, thấy ấm áp những gam màu bình yên và no ấm. Nghĩa tình của một thời đùm bọc và chở che những người làm báo cách mạng vẫn tròn đầy, vẹn nguyên, khiến mỗi người đến đây đều chung cảm nhận giống như mình được trở về... Ở nơi cội nguồn Hội nhà báo, có một thời báo chí kháng chiến sôi nổi đồng hành cùng dân tộc.
[Megastory] Ân nghĩa Roòng Khoa
72 năm sau ngày thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, trở về Roòng Khoa, thấy ấm áp những gam màu bình yên và no ấm. Nghĩa tình của một thời đùm bọc và chở che những người làm báo cách mạng vẫn tròn đầy, vẹn nguyên, khiến mỗi người đến đây đều chung cảm nhận giống như mình được trở về... Ở nơi cội nguồn Hội Nhà báo, có một thời báo chí kháng chiến sôi nổi đồng hành cùng dân tộc.

Là những Phóng viên, Biên tập viên đang công tác tại Đài PT-TH Thái Nguyên, chúng tôi có nhiều cơ hội đến với thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, nơi ghi dấu sự kiện thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Vậy mà, lần nào trở về, lòng cũng như xốn xang một cảm xúc rất lạ. Nơi đây, cội nguồn của những người viết báo cách mạng, đã 72 năm trôi qua, cảnh cũ người xưa cũng đã thay đổi nhiều, nhưng nghĩa tình của một thời che chở báo chí kháng chiến thì vẫn như ngày nào “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”.

Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công. Báo chí cách mạng đã có thêm lực lượng và phương tiện mới: Việt Nam Thông tấn xã và Đài Phát thanh. Một hệ thống thông tin báo chí đa dạng được hình thành. Tháng 12/1945, Chính phủ lâm thời đã quyết định thành lập Đoàn báo chí Việt Nam. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đoàn báo chí Việt Nam đổi tên là "Đoàn báo chí kháng chiến", tỏa đi khắp các nẻo đường, cùng cả nước ra trận. Với địa thế “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, Thái Nguyên được lựa chọn xây dựng ATK tuyệt mật với trung tâm Thủ đô kháng chiến là huyện Định Hóa.

Thủ đô gió ngàn cũng tự hào với những dấu ấn quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Không chỉ là Đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, mảnh đất này còn là nơi đặt trụ sở của các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ Trung ương. Cũng trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cơ quan báo chí của Trung ương và của các ngành đã ra đời tại Thái Nguyên như: báo Nhân dân (ra số đầu tiên ngày 11/3/1951), báo Quân đội Nhân dân (ra ngày 20/10/1950). ATK Định Hóa - Thái Nguyên là nơi đón tiếp nhiều nhà ngoại giao, nhiều nhà báo quốc tế. Nhiều nhà báo lớn của Việt Nam đã có mặt tại đây, như: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà… Ngày 4/4/1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, Đại Từ, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, với lớp đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được mở, thu hút 42 học viên.

Ân nghĩa Roòng Khoa
Ngày 20/4/2022, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm trưởng đoàn, đã tổ chức chương trình về nguồn. Tham dự chương trình, về phía tỉnh Thái Nguyên, có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; nguyên lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, các Liên chi hội, Chi hội thuộc Hội Nhà báo tỉnh và đại diện cơ quan báo chí một số tỉnh.
Về với Roòng Khoa là dịp để những người làm báo được ôn lại truyền thống, được nghe những câu chuyện về một thời làm báo ở chiến khu, về những nhà báo cách mạng lão thành, về sự kiện ngày 21/4/1950 - Ngày Lịch sử của báo giới Việt Nam. Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, trong đó báo chí cũng đã phát huy được tác dụng to lớn và góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tháng 3/1950, đại diện các cơ quan Báo chí Bắc Bộ được mời đến dự họp tại Định Hóa, Thái Nguyên, trong đó có các báo Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập, Phụ Nữ, Lao động, Sức trẻ, Hành động, Văn nghệ, Quân Du kích, Vệ Quốc quân, Việt Nam Thông tấn xã, Tiền Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam.... Một trong những nội dung mà giáo sư Trần Văn Giàu lúc này là Tổng Giám đốc Nha Thông tin của Chính phủ nêu trong hội nghị là: “Các báo cần lập ngay Hội Ký giả Việt Nam để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo”. Cùng lúc ấy, đồng chí Xuân Thủy, phụ trách Đoàn Báo chí kháng chiến đứng ra triệu tập các nhà báo tại Trụ sở Báo Cứu Quốc, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa, Thái Nguyên để bàn củng cố và mở rộng tổ chức chính trị nghề nghiệp của giới báo chí. Ngày 21/4/1950, tại địa điểm trên, Hội những người viết báo Việt Nam đã chính thức được thành lập. Từ đây, người làm báo Việt Nam đã có tổ chức Hội của mình để hoạt động, sinh hoạt nghiệp vụ, tương trợ, động viên lẫn nhau và cùng quyết tâm đánh thắng những kẻ thù của dân tộc.
Ân nghĩa Roòng Khoa

Nhớ khi xưa, Roòng Khoa tần tảo nuôi kháng chiến. Đến hôm nay, Roòng Khoa vẫn ân nghĩa, thủy chung. Về nơi cội nguồn, mỗi người sẽ không chỉ được nghe kể lại những câu chuyện về một thời báo chí kháng chiến, mà còn được trao đổi về những câu chuyện làm báo trong công cuộc đổi mới. Công trình Nhà trưng bày di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam được xây dựng trên phần đất hiến tặng của ông Triệu Đình Lệ, gia đình ông từng nuôi dưỡng đồng chí Hoàng Quốc Việt trong thời kỳ 1947-1950. Với Hội Những người viết báo Việt Nam thời kỳ đó, ân tình của một gia đình đã che chở, đã hiến đất để làm di tích thực sự là điều rất đáng trân trọng.

Trong đoàn công tác về nguồn hôm nay, có nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, cũng nguyên là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Ít người biết, ông cũng là một trong những người góp phần đánh thức ký ức về cội nguồn Hội Nhà báo Việt Nam.

Năm 1999, khi Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản đề nghị Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên xem xét, tìm hiểu về nơi đại hội đầu tiên, tuyên bố thành lập Hội, nhà báo Phan Hữu Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã cử nhà báo Phan Sơn, Ủy viên Thường trực Hội chịu trách nhiệm khảo sát, xác định trên thực tế. Qua những lần lên Điềm Mặc, nhà báo Phan Sơn đã sưu tầm khá đầy đủ căn cứ để làm cơ sở xác định địa điểm quan trọng này. Trên cơ sở tài liệu do Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cung cấp, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã cử đoàn cán bộ lên Điềm Mặc khảo sát, sau đó báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên giúp đỡ, hoàn chỉnh về mặt thủ tục để xem xét, công nhận, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng khu di tích cội nguồn của Hội Nhà báo Việt Nam. Sau đó, di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ân nghĩa Roòng Khoa
72 năm qua, Thái Nguyên tự hào là nơi in đậm những dấu ấn lịch sử của báo chí nước nhà. Roòng Khoa những ngày này lại náo nức đón báo giới cả nước về với cội nguồn. Phải, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã từ đây tỏa đi muôn phương và luôn nhớ về ngôi nhà chung. Nhớ để mong có ngày trở về. Đó chính là Quê hương!

----------------------

Thực hiện: Tố Hương - Hoàng Tuyến - Huy Dũng