Mat tran To quoc co vai tro quan trong trong dai doan ket toan dan hinh anh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trải qua 91 năm ra đời và phát triển (18/11/1930-18/11/2021) với nhiều tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một lực lượng hùng mạnh để đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc."

Trong 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức, vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp; kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Đưa công tác Mặt trận về cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân

Từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Ngày hội nhằm xây dựng, củng cố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội vào ngày 14/11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng kết quả của Ngày hội đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội từ mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước.

Mat tran To quoc co vai tro quan trong trong dai doan ket toan dan hinh anh 2
Điệu múa cồng chiêng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư Ka Tăng- Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 với quyết tâm "chống dịch như chống giặc;" vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, việc tổ chức Ngày hội năm 2021 nhằm kịp thời động viên, khích lệ nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân để phòng, chống và chiến thắng đại dịch. Ngày hội năm 2021 được thực hiện trên cơ sở đảm bảo nghiêm túc các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Diễn ra từ ngày 1/11 đến hết ngày 18/11, Ngày hội là dịp để Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang; về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; vận động các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, khu dân cư; tuyên dương các gương điển hình, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch và những mô hình, cách làm hay trong phát huy vai trò tự quản của nhân dân ở cộng đồng.

Cùng với đó, trong Ngày hội năm nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai các hoạt động ở cộng đồng như đánh giá kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện năm tới; biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân tích cực đóng góp vật chất, tinh thần, ngày công xây dựng cộng đồng, nhất là trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Mặt trận qua các thời kỳ; động viên các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu; chia sẻ, giúp đỡ gia đình khó khăn trên địa bàn dân cư; trao tặng Nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn…

Những địa phương tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không đảm bảo để tổ chức Ngày hội tập trung, nhiều nơi đã có cách làm sáng tạo, tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp thông qua đài phát thanh, truyền hình, loa phóng thanh; tuyên truyền qua các hội, nhóm trên các mạng xã hội...

Nhân dịp này, ở các khu dân cư, tổ dân phố, nhiều nơi tổ chức vệ sinh môi trường đảm bảo khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp, an toàn phòng, chống dịch; có hình thức tặng quà phù hợp đối với các hộ gia đình có công, hộ nghèo khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là những gia đình có người thân bị mất do dịch bệnh.

Đối với các địa phương đang thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tổ chức tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện, trợ giúp những gia đình, cá nhân khó khăn, tặng các phần quà đại đoàn kết, túi an sinh... không để người dân nào khó khăn không được trợ giúp.../.