Mâm cỗ trung thu truyền thống
Tỉa hoa quả làm đẹp cho mâm cỗ Trung thu đêm Rằm

Trung Thu được coi là Ngày tết riêng dành cho trẻ thơ. Do đó mỗi dịp chuẩn bị đến Tết Trung thu, các em nhỏ lại rộn ràng, háo hức chờ đón. Cùng với ý nghĩa đoàn viên, mang hạnh phúc, vui vẻ cho trẻ em, tết trông trăng của người Việt còn mang riêng màu sắc, hồn cốt quê hương với những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu. Và đặc biệt không thể thiếu mâm cỗ Trung thu đêm Rằm đủ loại thức quà thân thuộc, gần gũi, vừa để cúng tổ tiên, vừa là thứ để trẻ con phá cỗ đêm Rằm.

Bé Đoàn Thùy Liên, Phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên kể: “Năm nào con cũng đi rước đèn cùng với các bạn. Năm nay dịch COVID-19, con phải ở nhà, nhìn bà làm mâm cỗ con cũng thích”.

Bà Nguyễn Thị Tuất, Phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên cho biết: “Dịch COVID-19 thế này tôi chỉ làm mâm cỗ Trung thu là bưởi, bánh nướng, bánh dẻo cho con cháu trong nhà vui vẻ chứ không tụ tập ở tổ dân phố như mọi năm”.

Mùa Tết Trung Thu cũng là mùa hoa quả chín rộ, mâm cỗ Trung Thu vì thế cũng trở thành bản hòa tấu của hương vị tháng Tám. Hồng chín đỏ, nào bưởi vàng thơm được bày biện khéo léo, trang trí tỉ mỉ mà tinh tế, gửi gắm bao tình cảm, ước vọng của người dân Việt.

Bà Nguyễn Thị Trinh, Phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Năm nay do dịch bệnh cũng ít làm cỗ lớn như mọi năm. Nhưng mình vẫn làm mâm cỗ cổ truyền để các cháu vui với gia đình và ở trường cho các cháu được vui vẻ đúng với tuổi thơ”.

Trung thu xưa và nay, tuy có những nét riêng nhưng mâm cỗ trung thu đã trở thành một phần kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Dù dịch bệnh COVID-19 khiến trung thu năm nay chưa thực sự trọn vẹn. Nhưng trung thu mãi là ngày khiến chúng ta trân trọng 2 chữ “ đoàn viên”.